Ngày 23-4, tại hội nghị ứng dụng kỹ thuật điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần, PGS-TS Lê Mạnh Cường, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết bệnh lý hậu môn trực tràng là một bệnh lý khá phổ biến, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống của người bệnh.
Đáng nói, bệnh trĩ là bệnh khá phổ biến ở vùng hậu môn trực tràng với tỉ lệ mắc khoảng 40-60% dân số. Những năm gần đây, người trẻ (dưới 18 tuổi) mắc bệnh trĩ đang có xu hướng tăng nhanh.
Mắc bệnh trĩ do ôm điện thoại trong toilet
"Có nhiều bệnh nhân 17-18 tuổi, thậm chí 14-15 tuổi đã phát hiện mắc bệnh trĩ độ 2-3. Nguyên nhân do lối sống và thói quen "ôm" điện thoại hàng giờ khi đi vệ sinh. Việc trốn trong toilet vừa đi vệ sinh vừa đọc truyện, chơi điện tử hoặc lướt mạng... và sử dụng đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này"- PGS Cường cảnh báo.
Ở người trưởng thành, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, ăn uống thất thường, dùng nhiều rượu bia, thường xuyên ăn đồ cay nóng, ăn ít chất xơ, ngồi sử dụng điện thoại, máy tính quá lâu cũng khiến tỉ lệ mắc bệnh tăng cao.
Theo PGS Cường, ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp với việc thay đổi lối sống. Tuy nhiên, đây là bệnh ở vùng nhạy cảm, dẫn đến tâm lý e ngại của không ít người bệnh.
Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh ghi nhận những bệnh nhân đã tự mua thuốc về bôi hoặc làm theo hướng dẫn trên mạng xã hội, khi bệnh không đỡ, đến viện khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, thậm chí bị hoại tử, phải phẫu thuật nhiều lần.
PGS Cường cũng lưu ý với bệnh trĩ, phẫu thuật là biện pháp cuối cùng. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị, trong đó Bệnh viện Tuệ Tĩnh là cơ sở đầu tiên ứng dụng điều trị bệnh trĩ bằng sóng cao tần kết hợp với y học cổ truyền. Tuy nhiên, phương pháp này thường được chỉ định với các trường hợp trĩ giai đoạn 3-4 hoặc bệnh nhân điều trị nội khoa nhiều lần nhưng không hiệu quả.
"Trĩ không phải là một bệnh quá nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng sẽ phát triển lên giai đoạn 3, 4 gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Thực tế, có những trường hợp đến khám sớm, ở giai đoạn 2, 3 chỉ cần thay đổi sinh hoạt, giảm ăn cay nóng, điều trị nội khoa... bệnh đã đỡ rất nhiều"- PGS Cường lưu ý.
Bình luận (0)