Từ Khu Công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc, chúng tôi đến đường Vĩnh Lộc (qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) giữa giờ trưa, đường tấp nập xe tải, ô tô từ các hướng đổ về. Vừa chạy xe, chúng tôi phải liên tục nhìn gương chiếu hậu để tránh xe tải từ phía sau vượt lên do đường quá hẹp, bề rộng chỉ 5 - 6 m cho 2 làn xe chạy ngược chiều.
Ám ảnh những cung đường "đen"
Tuyến đường này cũng không có vỉa hè, 2 bên lề được người dân tận dụng bày hàng hóa, bảng hiệu lấn chiếm không còn lối đi. Thấy chúng tôi chụp ảnh, chị Thanh (nhà gần KCN Vĩnh Lộc) nói: "Nhà mặt tiền, mạnh ai nấy lấn chiếm, chỉ cần một người tấp xe vào mua là chật đường. Trưa còn đỡ chứ giờ cao điểm rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ va quệt xảy ra trên tuyến đường này".
Đúng vậy, giờ cao điểm, tuyến đường này thường xuyên ùn ứ, đặc biệt tại ngã năm Vĩnh Lộc (giao với đường Nguyễn Thị Tú, Quách Điêu), lực lượng chức năng xã phải cử người ra điều tiết giao thông thường xuyên.
Một trong những tuyến đường "đen" bị Sở Giao thông Vận tải (GTVT) lưu ý và đề xuất nhiều giải pháp hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) trong năm 2023 là đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn. Dài 6,6 km, bề rộng mặt đường 8 m cho 2 chiều các loại phương tiện, do kết nối với tỉnh Long An nên tuyến đường có mật độ phương tiện rất cao, giờ cao điểm sáng và chiều, xe tải phải xếp hàng nối đuôi đi qua các giao lộ.
Thuê mặt bằng buôn bán trên đường này, anh Nguyễn Tấn Trường (xã Xuân Thới Thượng) cho biết chưa ngày nào không thấy phương tiện xếp hàng dài vào buổi chiều, dù cơ quan chức năng cấm ô tô hướng từ TP HCM về Long An nhưng mật độ phương tiện vẫn cao.
Đường hẹp, xe đông, có khi va chạm nhẹ cũng dẫn đến chết người. Từ năm 2022 đến nay, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, khiến người đi đường ám ảnh.
"Cách đây chưa đầy 1 tháng, một bé gái 7 tuổi tử vong khi xe máy do người mẹ điều khiển va chạm với một xe tải đi cùng chiều trước chợ Đại Hải.
Trước đó 6 tháng, một nữ sinh lớp 11 cũng tử vong khi xe máy do bạn nam chở va chạm với xe container. Người dân ở đây ai cũng mong sớm nâng cấp, mở rộng con đường này" - anh Trường kể.
Từ đường Phan Văn Hớn, chúng tôi chạy thẳng đến đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, kết nối với tỉnh Long An). Con đường chỉ hơn 6 km nhưng đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng khiến nhiều người chết.
Theo ghi nhận, bề rộng mặt đường chỉ 12 m cho 2 làn xe chạy ngược chiều. Do là đường liên tỉnh nên xe tải, xe container từ các KCN tỉnh Long An liên tục đổ về khiến con đường quá tải. Đặc biệt, tại nút giao Cầu Lớn có nhiều điểm giao nhau và độ dốc của cầu khi phương tiện qua nút giao nên càng nguy hiểm.
Nhiều người liều mình băng qua nút giao liền bị kẹp giữa dòng xe tải, phải dừng lại ngay giữa chân cầu để nhường cho dòng xe tải đang đổ dốc cầu và ngược lại. Chỉ cần tài xế xe tải bất cẩn hoặc xe tuột phanh, thả dốc thì không biết hậu quả thế nào.
Đề xuất nâng cấp, mở rộng
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ, đây là 3 tuyến đường có mật độ phương tiện đông, bề rộng mặt đường hẹp, thường xuyên xảy ra ùn ứ và TNGT. Trong đó đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) là 1 trong 30 tuyến đường thường xảy ra TNGT trong năm 2023.
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên đường Phan Văn Hớn (đoạn từ Quốc lộ 1 đến Nguyễn Văn Bứa) đã xảy ra 7 vụ TNGT nghiêm trọng làm 7 người chết và 3 người bị thương. Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp như sơn vạch giảm tốc, lắp biển cảnh báo, lắp gương cầu lồi tại một số giao lộ nhưng tình hình TNGT vẫn phức tạp.
"Vừa qua, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp Ban An toàn giao thông TP HCM, Công an huyện Hóc Môn, Thanh tra Sở GTVT… kiểm tra hiện trường và đề xuất phương án cấm xe container lưu thông trên đường Phan Văn Hớn (hướng từ đường Dương Công Khi đến Quốc lộ 1) trong 2 khung giờ cao điểm: sáng từ 6 giờ - 8 giờ và chiều từ 16 giờ - 19 giờ.
Giải pháp này chuẩn bị triển khai trong thời gian tới. Tương tự với đường Nguyễn Văn Bứa, một số giải pháp công trình như lắp camera, gờ giảm tốc, bảng cảnh báo, hạn chế ô tô theo giờ... Tuy nhiên, về lâu dài, phải nâng cấp, mở rộng các tuyến đường thì tình hình trật tự an toàn giao thông mới cải thiện" - người đại diện trung tâm này thông tin.
Mới đây, Sở GTVT TP HCM đề xuất UBND thành phố xem xét, trình HĐND thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc trong kỳ họp tới. Việc điều chỉnh dự án do thay đổi quy mô đầu tư mở rộng nhằm tạo kết nối giao thông đồng bộ giữa huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và huyện Hóc Môn ở cửa ngõ phía Tây thành phố.
Theo đó, đường Vĩnh Lộc hiện hữu sẽ được mở rộng lên 30 m trên đoạn dài 7,2 km, từ nút giao với tuyến Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10 - huyện Bình Chánh) đến giao lộ với đường 2A trong KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) với kinh phí 4.344 tỉ đồng. Thực hiện từ nay đến năm 2027.
Ngoài đường Vĩnh Lộc, Sở GTVT cũng đề xuất UBND thành phố chi hơn 6.000 tỉ đồng để thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (từ ngã ba Giồng đến cầu Tỉnh lộ 9) và đường song hành Phan Văn Hớn (từ Quốc lộ 1 đến đường Vành đai 3).
Theo đó, đường Nguyễn Văn Bứa sẽ được mở rộng mặt đường từ 32 m lên 40 m, xây dựng mới cầu Lớn và cầu Tỉnh lộ 9, mỗi cầu dài 58 m, rộng 17,5 m, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024 - 2028 với tổng mức đầu tư 2.421 tỉ đồng.
Đối với dự án mở rộng đường Phan Văn Hớn, Sở GTVT đề xuất xây dựng đường song hành Phan Văn Hớn (từ Quốc lộ 1 đến Vành đai 3) dài 8,5 km, rộng 30 m. Dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2024 - 2030 với tổng mức đầu tư 3.720 tỉ đồng. Dự án được Sở GTVT đề xuất đầu tư theo hình thức BT (trả chậm).
Đây là những tuyến đường nằm ở cửa ngõ, giáp tỉnh Long An, việc nâng cấp, mở rộng là cần thiết, giúp nâng cao năng lực giao thông cho khu vực, tăng tính kết nối vùng và bảo đảm an toàn giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)