Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em có 25 quyền cơ bản được quy định rất rõ ràng. Trong đó, luật nhắc đến đầu tiên là quyền sống: Trẻ em được bảo vệ tính mạng, bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Trẻ em cũng có quyền được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện.
Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990. Qua 35 năm, công ước này vẫn là một trong những văn bản pháp lý quốc tế có giá trị và tiến bộ nhất về quyền con người. Tuy nhiên, thật đau đớn, xót xa khi liên tiếp các vụ bạo hành, ngược đãi trẻ em diễn ra khắp nơi trên đất nước ta. Trẻ bị đối xử tệ bạc, bị xâm phạm đến thân thể, bị tước đoạt quyền được sống mà báo chí thông tin.
Thật khó chấp nhận khi hình ảnh các cháu mới sinh bị mắng chửi, bị đánh đập một cách tàn nhẫn xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng. Hành vi của các bảo mẫu đang được cơ quan chức năng làm rõ nhưng cần nhìn nhận một sự thật, nhìn thẳng vào vấn đề khía cạnh quản lý nhà nước: Vì sao lại để xảy ra vụ việc động trời này?
Tôi suy nghĩ, trằn trọc không biết chúng ta kiểm tra như thế nào mà không phát hiện sai phạm? Bằng mắt thường chúng ta đến kiểm tra cũng thấy số trẻ quá đông so với số bảo mẫu thì phải đặt vấn đề. Việc một bảo mẫu phải chăm sóc mười mấy trẻ có đúng hay chưa? Các cháu sơ sinh theo quy định có được cho ở cùng với các cháu lớn hơn hay không? Cơ sở vật chất có bảo đảm để trẻ phát triển khỏe mạnh hay không? Rồi việc người dân ở gần đó nghe tiếng khóc bất thường, họ không được tiếp cận bên trong sao không sớm trình báo cơ quan chức năng? Các cháu khóc một cách bất thường, đau đớn nhưng không thể cầu cứu là nỗi đau xé lòng khi chúng ta nghĩ đến việc trẻ bị bạo hành trong thời gian dài.
Cần biết rằng, khi ký giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ trẻ em thì có những quy định rất rõ ràng về trình độ, kỹ năng, đạo đức. Nếu các cơ sở vi phạm nhưng không bị phát hiện là việc quản lý ở địa phương có vấn đề.
Do đó, trong thời gian tới, tôi mong rằng HĐND TP HCM lập những đoàn giám sát, kiểm tra các cơ sở bảo trợ ngoài công lập xem xét còn thiếu thốn, cần bổ sung những gì để trên cơ sở đó có biện pháp chấn chỉnh nạn bạo hành trẻ em ngay trong những mái ấm tình thương này.
Và điều quan trọng hơn cả, sau vụ việc này, các cơ quan chức năng cần nhìn thẳng vấn đề để quản lý tốt hơn, để không còn cảnh trẻ bị bạo hành như chúng ta từng thấy.
Bình luận (0)