. Phóng viên: Từ ý tưởng nào mà chị (Khánh Trang) và anh (Lê Văn Hỷ) sáng tác ca khúc "Phút ban đầu" và "Phố hát"?
- LÊ VĂN HỶ: Tôi và Khánh Trang đã có gần 4 thập kỷ học tập, sống và công tác tại TP HCM. Chúng tôi muốn mang cái nhộn nhịp, sôi động nhưng cũng rất đỗi bình dị, của Sài Gòn - TP HCM vào "Phố hát". Đã có rất nhiều cặp đôi xinh đẹp và nên duyên trong đô thị năng động, hạnh phúc này và điều này đã có trong "Phút ban đầu".
. Anh có kỷ niệm nào khó quên về TP HCM? Sáng tác ca khúc viết về TP HCM dễ hay khó?
- LÊ VĂN HỶ: Kỷ niệm về TP HCM thì nhiều nhưng có lẽ ấn tượng và khó quên nhất là sức sống năng động của những con người nơi đây. Mỗi người có những góc nhìn, nhận định khác nhau, với riêng tôi thì sáng tác về TP HCM không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ thành phố này quá giàu có về cảm xúc và lịch sử. Để viết một ca khúc được cho là hay, phản ánh được cái hồn của thành phố đòi hỏi người nghệ sĩ phải thực sự thấu hiểu và yêu quý thành phố này.
. Khánh Trang đang công tác tại Nhạc viện TP HCM, chị có đặt niềm tin vào thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ trẻ hiện nay khi họ tham gia các cuộc thi sáng tác về thành phố nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?
- KHÁNH TRANG: Là thế hệ kế thừa những truyền thống văn hóa, những trang sử hào hùng vẻ vang của dân tộc, các bạn trẻ hiện nay có đầy đủ điều kiện để bước tiếp, gìn giữ và phát triển những giá trị tốt đẹp đó bằng sự mới mẻ trong tâm hồn, bằng tiếng nói, hơi thở của thời đại, sự sáng tạo của tuổi trẻ... thông qua ngôn ngữ âm nhạc.
Chúng ta có thể hy vọng và đặt niềm tin vào thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ trẻ trong các cuộc thi sáng tác, đặc biệt với các chủ đề mang tính truyền thống, lịch sử của dân tộc như cuộc vận động sáng tác ca khúc đầy ý nghĩa của Báo Người Lao Động.
. Làm thế nào để những ca khúc viết về TP HCM có thể lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng, nhất là giới trẻ?
- LÊ VĂN HỶ: Muốn như vậy thì ca khúc cần phải phản ánh được nhịp sống của đô thị hiện đại, tâm lý của giới trẻ thành thị và hơi thở của thời đại. Phản ánh được những thay đổi, chuyển động không ngừng của môi trường sống, những xu hướng văn hóa đang hình thành và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng âm nhạc. Ngoài ra, việc giới thiệu và phổ cập trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội cũng rất quan trọng. Với sự phát triển của công nghệ, sản phẩm âm nhạc sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận đến mọi người ở khắp mọi nơi.
. Anh kỳ vọng điều gì từ Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" do Báo Người Lao Động tổ chức?
- LÊ VĂN HỶ: Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" là một sự kiện vô cùng ý nghĩa, không chỉ để tưởng nhớ và tri ân tiền nhân, những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc mà còn là dịp để chúng ta nhìn lại những thành tựu to lớn mà đất nước nói chung và TP HCM nói riêng đã đạt được trong gần 50 năm qua.
Tôi hình dung cuộc vận động này sẽ tạo nên một làn sóng sáng tác sôi động, phản ánh được các giá trị đặc trưng và tinh thần đổi mới phát triển của TP HCM. Là cơ hội để khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân, để chúng ta cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, nơi mà âm nhạc là cầu nối, là ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người.
Cuộc vận động sáng tác ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Ban Tổ chức sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 2-2025, trong thời gian nhận tác phẩm, sàng lọc sơ khảo, Ban Tổ chức sẽ chọn những tác phẩm hay để dàn dựng, giới thiệu trong lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (khoảng tháng 1-2025). Ban Tổ chức cũng đưa các tác phẩm lên nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu cho cộng đồng.
Bình luận (0)