* Phóng viên: Từ ý tưởng nào anh sáng tác 2 ca khúc ý nghĩa này?
- Nhạc sĩ VŨ VIỆT HỒNG: Với tôi, chủ đề thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, về nơi mình đang sinh sống, làm việc, nhất là về những con người đô thị yêu hòa bình, muốn giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, biên giới luôn là một điều thiêng liêng. Tôi cũng đã ấp ủ từ lâu và đến thời điểm thì nó tự bật ra, nhất là người TP HCM hoặc ở bất kỳ tỉnh, thành nào trên Tổ quốc rất tự hào và yêu dân tộc mình. Mỗi người thể hiện lòng yêu nước một cách khác nhau. Còn tôi thể hiện lòng yêu đất nước bằng âm nhạc.
* Anh muốn gửi gắm thông điệp gì về niềm tự hào là công dân Việt Nam vào 2 ca khúc này?
- Chủ quyền quốc gia luôn trong tâm trí của người dân Việt Nam. Từ biết bao công sức của thế hệ đi trước, chúng ta mới có được bờ cõi và cuộc sống như hôm nay. Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu chỉ còn một năm nữa là sẽ diễn ra nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thông điệp tôi muốn gửi gắm trong 2 ca khúc này là sự biết ơn và gìn giữ!
* Lâu nay, giới sáng tác vẫn cho rằng viết ca khúc theo chủ đề rất dễ bị khô cứng? Riêng anh có bí quyết nào để sáng tác những ca khúc như thế, đặc biệt là về TP HCM?
- Với tôi, việc viết ca khúc ở bất kỳ chủ đề nào cũng phải có cảm xúc thật sự. Tôi đã có nhiều dịp đến cộng tác với các đồng nghiệp ở TP HCM - nơi tôi vô cùng yêu mến. Biết bao tấm gương hy sinh quên mình vì Tổ quốc để góp phần bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc ta và đó sẽ là mạch cảm xúc chính của tôi.
* Kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất về TP HCM - nơi anh đã từng làm việc?
- Lần gần nhất, tôi vào tham dự sự kiện Lễ hội Sông nước tại Cảng Sài Gòn - TP HCM. Đây là chương trình hoành tráng và quy mô do bạn tôi là đạo diễn Lê Hải Yến làm tổng đạo diễn. Kỷ niệm về TP HCM thì nhiều lắm. Chỉ biết là tôi yêu mảnh đất này, cứ nghĩ mình là người thân quen với thành phố, tự hào trước những thay đổi diện mạo ngày càng phồn vinh của thành phố mang tên Bác.
* Để lan tỏa những ca khúc viết về TP HCM và đất nước đến số đông khán giả trẻ, theo anh, cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề "Đất nước trọn niềm vui" của Báo Người Lao Động cần phải làm gì?
- Tôi nghĩ để lan tỏa mạnh mẽ thì các ca khúc phải được cập nhật hơi thở đương đại, gắn với các thể loại nhạc mà bạn trẻ yêu thích. Cách thể hiện mới hơn và truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Báo Người Lao Động cần nhân rộng mô hình tổ chức giao lưu, quảng bá các ca khúc được lọt vào các vòng thi, từ đó tổ chức để các ca sĩ thế hệ trẻ biểu diễn, đưa đến trường học, xí nghiệp và sau đó quay hình, quảng bá trên các nền tảng số, làm sao để những ca khúc đi vào đời sống.
Tôi có niềm tin mãnh liệt vào các nhạc sĩ trẻ. Với góc nhìn của mình, các bạn ấy sẽ làm rất tốt việc sáng tác các ca khúc về sự thay đổi của TP HCM.
* Để viết một ca khúc về TP HCM, nhạc sĩ cần chọn chất liệu, câu chuyện như thế nào?
- Cũng là một người trẻ, tôi nghĩ để viết về TP HCM sẽ là một chất liệu mang đầy năng lượng và chọn những câu chuyện của ngày mới, của tương lai. Cuộc vận động sáng tác của Báo Người Lao Động lần này sẽ góp phần tô đậm thêm tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc Việt Nam. Tôi tin sẽ có thêm nhiều ca khúc hay viết về đất nước, con người Việt Nam và về thành phố đầy nghĩa tình, văn minh, hiện đại mang tên Bác Hồ kính yêu!
Cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề "Đất nước trọn niềm vui" do Báo Người Lao Động tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). BTC sẽ chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc nhất vào vòng chung kết. Vòng chung khảo sẽ diễn ra vào tháng 2-2025. Trong thời gian nhận tác phẩm, sàng lọc sơ khảo, những tác phẩm hay sẽ được chọn để dàn dựng, giới thiệu trong lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 30 (khoảng tháng 1-2025). Song song đó, BTC cũng đưa các tác phẩm lên nền tảng mạng xã hội của báo để giới thiệu với cộng đồng.
Bình luận (0)