Khoảng 2.300 lao động đang làm việc tại Công ty Nitto Denko Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, KCN Việt Nam - Singapore 1, Bình Dương) ký hợp đồng lao động với nội dung áp đặt; vi phạm nguyên tắc thương lượng, thỏa thuận, tự nguyện, bình đẳng của pháp luật lao động như: Công việc phải làm là “theo sự phân công của công ty, đồng ý chuyển đổi công việc giữa các phòng, ban theo yêu cầu của công ty; cam kết làm việc ngoài giờ theo yêu cầu của công ty…”. Bà Mai Hải Vân, trưởng phòng nhân sự của công ty, đã xác nhận điều này trong buổi làm việc để giải quyết khiếu nại của bác sĩ Phùng Đăng Cư, phụ trách phòng y tế của công ty, vì bị tùy tiện chuyển đổi công việc và xử lý kỷ luật.
Hành xử tùy tiện
Bác sĩ Phùng Đăng Cư làm việc tại Công ty Nitto Denko từ ngày 29-5-2009, HĐLĐ có hiệu lực đến ngày 28-5-2013 do ông Toshiaki Asanuma, tổng giám đốc, giao kết. Công việc chính của ông theo “bảng phân công công việc” là quản lý phòng y tế và chăm sóc sức khỏe người lao động. Ông Cư cho biết: “Tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ, chưa để xảy ra một sự cố nào. Mối quan hệ của tôi với toàn bộ nhân viên rất tốt”.
Đến đầu tháng 1-2011, công ty bất ngờ tuyển một bác sĩ mới thay cho vị trí của ông Cư tại phòng y tế mà không hề thông báo hoặc trao đổi với ông. Đến ngày 18-1, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, trưởng phòng tổng vụ, thông báo từ nay trở đi, ông Cư không còn đảm trách công việc tại phòng y tế mà chuyển sang làm việc ở văn phòng hành chính.
Từ đó đến nay, ông vẫn đến địa điểm làm việc mới nhưng không được bố trí công việc. Những công cụ hỗ trợ làm việc của ông trước đây như hộp thư điện tử, kết nối internet... đều bị xóa hết mà không hề thông báo cho ông.
Điều đáng nói là việc thay đổi công việc của ông Cư hoàn toàn không có quyết định của người sử dụng lao động (tổng giám đốc Toshiaki Asanuma), cũng
không có bảng phân công công việc mới, không có phụ lục hợp đồng…
Tìm đủ cách quy chụp
Tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết rắc rối bắt đầu khi công ty ban hành quy định mới khi ra vào cổng. Quy định này bắt buộc người lao động bị bệnh chỉ được cho về sớm khi phòng y tế xin ý kiến và phải được sự chấp thuận của trưởng phòng sản xuất. “Trước đây, việc giải quyết cho nhân viên bệnh nặng ra về là trách nhiệm của phòng y tế. Nay quy định mới này gây khó khăn và không phù hợp nên tôi đã góp ý với công ty nhưng không có kết quả” - bác sĩ Cư cho biết.
Những tài liệu liên quan đến việc tước đoạt quyền làm việc trái pháp luật của Công ty Nitto Denko đối với người lao động. Ảnh: THANH NHÀN
Ngày 3-12-2010, tiếp nhận một công nhân bị bệnh cần được cho ra cổng gấp, bác sĩ Cư tìm trưởng phòng sản xuất nhưng không gặp nên tìm trưởng phòng tổng vụ là bà Nguyễn Thị Thúy Hà. Bà Thúy Hà yêu cầu bác sĩ Cư gọi điện thoại cho trưởng phòng sản xuất xin ý kiến. Do sốt ruột trước cảnh công nhân bị bệnh, bác sĩ Cư vội vã chạy đến chỗ của giám đốc hành chính để trình bày sự việc mà không kịp gọi điện thoại cho trưởng phòng sản xuất.
Lập tức, bà Nguyễn Thị Thúy Hà quy cho bác sĩ Cư lỗi “không tuân thủ mệnh lệnh cấp trên”. Với lỗi này, bác sĩ Cư bị trừ đi 10% tiền thưởng cuối năm, bị khiển trách; tiếp đến là bị điều chuyển công việc và tước đoạt quyền làm việc một cách trái pháp luật.
Tiếp tục xác minh, chúng tôi phát hiện trước đó, vào quý II/2010, việc mua thẻ BHYT cho người lao động là trách nhiệm của phòng nhân sự nhưng việc phát thẻ cho người lao động là do phòng y tế thực hiện. Vì vậy, ông Cư phát hiện rất nhiều trường hợp thai sản không được mua thẻ BHYT nên đã báo cáo cấp trên và tìm hiểu nguyên nhân. Chính vì điều này mà ông bị quy chụp là có hành vi kích động người lao động chống đối.
Tiếp tục sai phạm
Điều đáng nói là sau khi xảy ra sự việc ngày 3-12-2010, bác sĩ Cư đã nhận lỗi và nhận hình thức kỷ luật lao động khiển trách miệng từ Tổng Giám đốc Toshiaki Asanuma, đưa ra trong một cuộc họp. Thế nhưng, ngày 19-2 vừa qua, bác sĩ Cư lại bị bà Nguyễn Thị Thúy Hà gọi vào phòng để… làm việc về vi phạm ngày 3-12-2010. Cho rằng vụ việc trước đó đã được xử lý nên ông Cư từ chối làm việc với bà Thúy Hà. Vậy là đến ngày 21-2, công ty lại triệu tập một cuộc họp để xử lý kỷ luật bác sĩ Cư về hành vi “tiếp tục không phục tùng mệnh lệnh cấp trên”.
Biên bản xử lý kỷ luật lao động được lập lúc 15 giờ ngày 21-2 thể hiện sai phạm nghiêm trọng của Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động. Tại cuộc họp này, ông Toshiaki Asanuma, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật, lại không có mặt. Thay vào đó là “đại diện công ty theo sự ủy quyền của trưởng bộ phận” gồm bà Mai Hải Vân và 2 nhân viên phòng nhân sự - những người hoàn toàn không có thẩm quyền xử lý.
Luật gia Hoàng Hà, Hội Luật gia TPHCM:
Công ty không có quyền áp đặt
Pháp luật lao động quy định: hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải có những nội dung chủ yếu là: Công việc phải làm, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, địa điểm làm việc, thời hạn hợp đồng, bảo hiểm xã hội... Nếu phát hiện HĐLĐ không đúng quy định trên, thanh tra lao động hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hoặc có quyền buộc hủy bỏ các nội dung đó. Trong trường hợp của bác sĩ Phùng Đăng Cư và tập thể lao động tại Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam, HĐLĐ không cụ thể, rõ ràng nên cần được Thanh tra Lao động tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý.
Mặt khác, có thể căn cứ vào bảng phân công công việc của phòng y tế để xác định công việc của bác sĩ Cư. Nếu công ty muốn thay đổi công việc này, phải thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hoặc giao kết HĐLĐ mới; nếu không thỏa thuận được thì bác sĩ Cư tiếp tục thực hiện công việc đã làm từ trước đến nay. Công ty không có quyền áp đặt hoặc tước đoạt quyền làm việc của người lao động như vậy. |
Bình luận (0)