Theo đài BBC, một dự án mang tên “bác sĩ ảo” (virtual doctors) được một hướng dẫn viên người Anh làm việc tại Zambia là Huw Jones khởi xướng thành công từ một câu chuyện đau lòng.
Ảnh minh họa internet
Jones thuật lại khi ông lái xe qua một vùng hẻo lánh, nóng gắt, chứng kiến nhiều vết máu trên đường của một thai phụ ngồi trên ghi-đông xe đạp do người chồng chở đến một bệnh viện cách đó gần 100 km. Jones đưa họ lên xe nhưng không còn kịp. Người phụ nữ quá yếu và chết trên đường đến nơi cấp cứu. Jones biết nhiều cái chết có thể tránh được nếu dân cư nơi này được chăm sóc y tế kịp thời. Zambia có 1.600 bác sĩ trên 14 triệu dân, trong đó 2/3 số bác sĩ làm việc ở thành phố. Người dân nông thôn thường chịu thiệt thòi do nhân viên y tế nơi này hầu như không đủ trình độ chuyên môn.
Về Anh, ông Jones thành lập một tổ chức thiện nguyện xúc tiến dự án “bác sĩ ảo”, đặt trụ sở tại TP Brighton. Ông tuyển mộ các thầy thuốc tình nguyện và kết nối với nhân viên y tế ở nông thôn Zambia qua phần mềm điện thoại di động và máy tính bảng ghi nhận triệu chứng, hình ảnh và dữ liệu khác của bệnh nhân. Tùy theo lĩnh vực chuyên môn, các thầy thuốc thiện nguyện có thể giúp họ đưa ra chẩn đoán và chỉ định trị liệu. “Bác sĩ ảo” hiện đã trợ giúp cho 19 trung tâm y tế nông thôn và 2 bệnh viện huyện, thường xử lý các bệnh sốt rét, lao, HIV/AIDS và vấn đề liên quan đến sinh sản. Ông Jones cho biết một số cơ sở có thiết bị X-quang nhưng không có người đủ chuyên môn xem hình ảnh X-quang nên phải nhờ bác sĩ ở Anh trợ giúp. Ông ước tính dự án hiện phục vụ cho khoảng 1 triệu người và có định hướng phát triển sang các nước lân cận như Tanzania và Uganda. Bên cạnh đó, công nghệ cũng được cải thiện hơn, cho phép truyền thông nhanh và có thể tổ chức họp qua video.
Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh Charles Clarke ngợi khen dự án là “sáng kiến xuất sắc, tập hợp những chuyên gia tự nguyện để đáp ứng yêu cầu cho những người đang tuyệt vọng”. Chính phủ Zambia cũng ủng hộ cách làm này.
Bình luận (0)