Dù đã có mặt nhiều năm, nhưng khái niệm "thực tế ảo" (VR - Virtual Reality) chỉ mới được biết đến gần đây, cụ thể là đầu năm 2016 nhờ sự xuất hiện và phổ biến của các loại kính thực tế ảo, trong đó điển hình là Samsung Gear VR. Kính thực tế ảo là công cụ cho phép trải nghiệm công nghệ thực tế ảo ngay trên điện thoại thông minh, bao gồm các nội dung như game, hình ảnh, video 360 độ… Điểm tạo sức hút của nó là cho phép người dùng có cảm giác như mình đang đứng trong khung cảnh đang tạo ra trước mắt, trực tiếp nhìn hoặc tương tác (thông qua công cụ hỗ trợ)…
Google Cardboard được nhiều người mua để trải nghiệm vì giá rẻ.
Thúy Vy, sinh viên năm 2 trường Đại học Hồng Bàng (quận Tân Bình, TP HCM), tiếp xúc với chiếc kính thực tế ảo đầu tiên là Google Cardboard, được tặng khi đi xem phim vào cuối 2015. "Quả thực, tôi đã xem phim bằng kính 3D nhưng trải nghiệm trên kính thực tế ảo tạo cảm giác chân thực, sống động hơn. Và hơn hết, nó có thể xem ngay trên chính chiếc điện thoại của mình khá tiện lợi. Do Cardboard có một số giới hạn, tôi đã mua một kính khác đắt tiền hơn, nhiều tính năng hơn để sử dụng", Vy chia sẻ.
Bình Long, học sinh trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận), thì tiết lộ rằng, bạn tìm đến với kính thực tế ảo là do tò mò. "Đầu năm nay, tôi nghe trên mạng xã hội và các trang tin công nghệ đề cập đến kính thực tế ảo và nội dung của nó. Họ cho rằng đó là xu thế mới, xu thế tương lai nên tôi cũng muốn tìm hiểu để không bị chê là 'lạc hậu'. Học sinh không có nhiều tiền, nên tôi mua tạm một chiếc có giá 180.000 đồng", Long kể. Cậu cho hay, mấy lần đầu dùng thấy buồn nôn, nhưng quả thật kính cho trải nghiệm hình ảnh độc, lạ, "khác hẳn với việc nhìn vào màn hình máy tính, smartphone…".
Những người tìm đến với loại kính thực tế ảo chủ yếu là những người trẻ, tò mò công nghệ mới, bởi họ chưa từng được trải nghiệm công nghệ tương tự. Cũng chính vì "để thử" nên họ chọn cho mình một sản phẩm giá rẻ, trước khi đầu tư một thiết bị nhiều tính năng hơn để sử dụng về lâu dài.
VR-Box, mẫu kính thực tế ảo giá rẻ được bán phổ biến tại vỉa hè và các cửa hàng điện tử nhỏ.
Nắm được nhu cầu đó, các nhà sản xuất đã liên tục tung ra thị trường các loại kính thực tế ảo giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí có cái chưa đến 100 nghìn đồng. Các cửa hàng bán phụ kiện điện thoại nhỏ dọc các con phố đông đúc trong TP HCM đều bán các loại kính VR thương hiệuVR Box, Onex, Dcit, VO, VR Shinecon, Ritechi…
Anh Phúc, chủ một quầy bán phụ kiện vỉa hè trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) cho biết, khách hàng của anh hầu hết là học sinh, sinh viên, muốn thử trải nghiệm thực tế ảo là gì. Các loại kính anh Phúc bán chỉ từ 150.000 đến 500.000 đồng, mỗi ngày anh bán được 2 đến 4 chiếc.
Trên thị trường TP HCM, loại kính thực tế ảo rẻ nhất hiện nay là Google Cardboard và các mẫu "nhái" theo sản phẩm này. Hàng nhái được làm bằng bìa carton cùng với 2 thấu kính bằng nhựa, không có khả năng điều chỉnh tiêu cự thấu kính. Hàng nhái chỉ khoảng 80.000 – 160.000 đồng tùy chất lượng, nhưng không mang lại nhiều trải nghiệm, chủ yếu chỉ để làm quen.
Mẫu kính được mua nhiều nhất và cũng là mẫu phổ biến nhất là VR Box, nhưng giá bán cũng rất “loạn”, từ 170.000 đến 500.000 đồng tùy nơi. Giá cao hơn có bao gồm một số phụ kiện đi kèm như tay cầm điều khiển. Ngoài ra, còn có các mẫu cao cấp hơn, từ 1 đến 2 triệu đồng. Loại này được hoàn thiện hơn về thiết kế, cũng như chất liệu cao cấp hơn.
Không chỉ tại các cửa hàng, một số trang bán hàng trực tuyến… cũng xuất hiện rất nhiều các mẫu kính thực tế ảo. So với các cửa hàng, mẫu mã, chủng loại, thương hiệu ở đây cũng đa dạng hơn với giá bán từ 100.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng. Tất nhiên, các mẫu đắt tiền thường đến từ các thương hiệu có tiếng như Samsung, Lenovo...
Theo một người quản lý của một cửa hàng phụ kiện trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), những mẫu kính thực tế ảo giá rẻ chủ yếu nhập theo đường tiểu ngạch, đa phần từ Trung Quốc. Anh Huy, Giám đốc kinh doanh của Hệ thống bán lẻ di động CellphoneS, cho hay, các mẫu kính thực tế ảo giá rẻ chủ yếu để làm quen là chính, bởi cảm giác trải nghiệm mà chúng mang lại rất kém. “Cấu tạo lỏng lẻo, ánh sáng dễ bị lọt vào trong khiến người dùng cảm thấy khó chịu do nội dung hiển thị bị chi phối. Đó là chưa kể chất liệu nhựa rẻ tiền có thể gây độc hại, dị ứng cho da. Theo tôi, để có trải nghiệm tốt nhất, nên lựa chọn các mẫu tầm giá từ 2 triệu trở lên”, anh Huy nhận xét.
Các chuyên gia cảnh báo, khi bắt đầu sử dụng kính thực tế ảo, người dùng nên điều chỉnh tiêu cự phù hợp với mắt. Đồng thời, việc lựa chọn một chiếc smartphone độ phân giải cao là yếu tố không thể thiếu nếu muốn xem hình ảnh sắc nét hơn.
Cùng với đó, người dùng nên xem trong một khoảng thời gian nhất định, tránh sa đà để mắt có thể nghỉ ngơi. Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị sẵn tâm lý khi bắt đầu trải nghiệm kính thực tế ảo, bởi sẽ gặp các hiệu ứng tạo nên các cảm giác như buồn nôn, chóng mặt… Đây gọi là Cyber sickness, thuật ngữ nói về tác dụng phụ khi sử dụng kính thực tế ảo.
Bình luận (0)