iPhone đứng đầu trong danh sách smartphone có giá sửa chữa cao nhất tại Trung Quốc, lên tới 2.000 tệ (khoảng 6 triệu đồng). Nhưng Tứ Hỉ, quản lý của một trung tâm điện tử tại khu Trung Quan Thôn (Bắc Kinh) cho biết, không riêng iPhone, mức giá "thổi phồng" này cũng áp dụng cho các điện thoại Android cao cấp khác đến từ Samsung, Huawei...
"Việc thổi giá sửa chữa của smartphone một phần nguyên nhân do quá trình thao túng linh kiện đến mức chuyên nghiệp hóa, một phần đến từ sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về các kiến thức cơ bản", người này cho biết.
Theo QQ, một người phụ nữ bị vỡ màn hình iPhone, cô đem tới cửa hàng sửa chữa và nhận được báo giá 800 nhân dân tệ (khoảng 2,6 triệu đồng), còn nếu mang vào hãng, chi phí có thể lên tới lên tới 1,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 4 triệu đồng).
Thực tế, nếu khu vực cảm ứng và tấm nền (LCD hoặc IPS) còn nguyên vẹn, người dùng không phải tốn tiền thay thế toàn bộ mà các cửa hàng sửa chữa sẽ nung nóng mặt kính màn hình rồi tách ra, sau đó thay một lớp mới vào. Tuy nhiên, nhiều đại lý đã cố tình đánh tráo các khái niệm khi giải thích cho khách hàng, khiến họ lựa chọn việc thay thế tấm kính bảo vệ bên ngoài với giá của cả màn hình ban đầu. Có cửa hàng còn lấy màn hình từ thiết bị cũ thay cho thiết bị hỏng, ăn chặn mức giá chênh lệch so với linh kiện mới khoảng vài trăm tới cả triệu nhân dân tệ (tương đương cả triệu đồng).
Chợ sửa điện thoại tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc
Với các mẫu như Samsung S7 edge, việc thay thế màn hình cong thậm chí còn có giá cao hơn việc mua một chiếc điện thoại mới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn sửa chữa khiến cho các cửa hàng điện tử kiếm được bộn tiền.
Việc thay màn hình, nếu không khéo cũng dẫn đến nhiều rủi ro, như khi thợ sửa chữa vô tình tác động tới phần cảm ứng hoặc tấm nền bên dưới làm hỏng cảm ứng. Một số cửa hàng lại dùng keo dán kém chất lượng, khiến màn hình bị rò sau một thời gian sử dụng, đặc biệt khi để điện thoại tiếp xúc nơi có nhiệt độ cao.
Lỗi về dây cáp là giúp thợ kiếm được nhiều tiền thứ hai sau màn hình. Lỗi này tuy đơn giản nhưng thường được các nhân viên sửa chữa "nói quá" lên thành sự cố về bo mạch chủ. Nhiều người tiêu dùng cảm thấy vấn đề trở nên nghiêm trọng và chấp nhận mất nhiều tiền để sửa chữa. Nhiều trường hợp nhân viên nói dối khách rằng cáp của cảm biến vân tay và tấm nền màn hình liên kết với nhau, nên phải thay cả cụm khi hỏng. Với iPhone 6S và 7, một lần sửa cảm biến vân tay có thể bị đội giá lên 1.500 - 2.000 tệ (tương đương 4,5-6 triệu đồng).
Cảm biến vân tay và pin của điện thoại Android cũng mang lại lợi nhuận lớn cho các cửa hàng. Thị trường Trung Quốc tràn lan pin giả, phần lớn là sản phẩm tái chế và được phần mềm xử lý để không để lại dấu vết đã bị "chai". Nhưng pin cũ lại được bán với giá pin gốc và người sửa điện thoại thường có cảm giác sau khi dùng một thời gian loại pin này nhanh hết, không bền.
Khái niệm bảo trì, sửa chữa giờ gần như chuyển hoàn toàn sang lĩnh vực thay mới, tân trang. Bởi so về lợi nhuận và chi phí, việc thay mới linh kiện dễ mang lại lợi ích gấp nhiều lần so với sửa chữa. Một nhân viên mất 30 phút sửa điện thoại, có thể kiếm được 200 tệ (600.000 đồng), trong khi nếu thay thế linh kiện, họ cũng có thể thu về số tiền này mà chỉ mất vài phút.
Một số cửa hàng còn cố ý không sửa điện thoại cho khách, nhưng vẽ ra nhiều bệnh để yêu cầu giữ máy qua ngày. Sau khi ăn cắp và thay thế một số linh kiện, thiết bị được trả lại chủ với thông báo không thể sửa được. Nhiều người tiêu dùng không đủ kiến thức để nhận biết vấn đề này, trong khi các phụ kiện được thay thế một lần nữa theo dòng chảy tiếp tục quay trở lại thị trường.
Tứ Hỉ cho biết lĩnh vực sửa chữa điện thoại tại Trung Quốc đã hình thành nên một dây chuyền công nghiệp. Thao tác mua lại máy cũ, tân trang rồi bán lại với giá cao giờ đã trở thành phương thức kinh doanh sống của của nhiều cửa hàng điện tử.
Đằng sau sự hỗn loạn của các dịch vụ sửa chữa điện thoại di động, các công ty cung cấp dịch vụ sửa chữa điện thoại tại nhà cũng mọc lên như nấm. Các công ty này cho người tới tận nơi sửa chữa, hoặc nhận máy của khách mang về bảo trì. Mức độ chuyên nghiệp và bảo mật tuy không bằng các cửa hàng lớn, nhưng giúp khách hàng không phải xếp hàng chờ đợi quá lâu, bên cạnh đó, việc quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội vẫn khiến nhiều người tin tưởng.
Nhưng đi kèm với dịch vụ này cũng là rất nhiều rủi ro. Nhiều máy sau khi gửi đi, trở về với số IMEI không còn hoạt động. Nhiều người không may mắn còn chẳng thể nhận lại chiếc smartphone đã gửi đi bảo hành.
Hồi đầu tháng 1 năm nay, một cửa hàng sửa chữa điện thoại tại thành phố Thanh Nguyên, Giang Tây, đã bị cảnh sát tiến hành truy quét. Người chủ lập cửa hàng trực tuyến trên Taobao chuyên mở khóa, sửa chữa iPhone và đã lừa hơn 30 khách hàng gửi máy tới sửa. Số máy này được mang rao bán lại trên mạng xã hội nhằm thu lợi bất chính. Chủ cửa hàng chỉ là một thanh niên mới 19 tuổi.
Bình luận (0)