Chính phủ cho rằng lệnh cấm được đưa ra để giúp các em học sinh không bị xao nhãng và để ngăn chặn các tin đồn sai lệch.
Bê bối lộ đề thi
Hồi tháng 5, một vụ rò rỉ đề thi cuộc thi đại học quốc gia trên mạng khiến Ethiopia buộc phải hoãn kỳ thi vốn có hơn 250.000 sĩ tử tham gia này. Nhiều người gọi đây là một vụ bê bối đáng xấu hổ của chính phủ.
Những trang bị chặn bao gồm Facebook, Twitter, Instagram và Viber. Người dân không thể truy cập những trang này trong nhiều ngày khi kỳ thi đại học diễn ra, phát ngôn viên chính phủ Getachew Reda thông báo.
“Đây là biện pháp tạm thời tới ngày 13-7. Mạng xã hội khiến học sinh trở nên lơ là” – ông Reda nói thêm.
Ethiopia là một trong những nước châu Phi đầu tiên kiểm duyệt mạng Internet. Các trang blog của phe đối lập hoặc có nội dung về nhân quyền thường xuyên bị nước này chặn.
Trước đây, các trang mạng xã hội cũng từng bị sập trong vài giờ tại Ethiopia nhưng chính phủ khẳng định họ không có liên quan. Đây là lần đầu tiên các trang này bị chặn công khai trên cả nước.
Hình minh họa
Một phóng viên Ethiopia, đề nghị giấu tên vì lý do an toàn, trả lời đài BBC rằng động thái này “chỉ mới là sự khởi đầu”. “Chính phủ rất quan tâm tới việc kiểm soát mạng xã hội. Nếu lần sau có xảy ra biểu tình, họ sẽ áp dụng kinh nghiệm rút ra từ lần này để thực hiện chiến dịch đàn áp khác trên toàn quốc” – người này tiết lộ.
Hồi tháng 5, kỳ thi đại học tại đây từng bị hủy bỏ sau khi hình chụp đề thi bị phát tán tràn lan trên mạng. Sau đó, một nhóm ủng hộ nhân quyền tại Ethiopia lên tiếng nhận trách nhiệm việc này.
Các phương tiện truyền thông truyền thống ở Ethiopia bị chính phủ kiểm soát gắt gao nên rất nhiều người phải dựa vào mạng xã hội để tìm kiếm thông tin. Vào năm 2012, Skype (ứng dụng gọi điện thoại qua Internet) từng bị chặn ở Ethiopia khi chính phủ nước này khẳng định dịch vụ này có mục đích lừa đảo.
Tuần trước, Hội đồng Nhân Quyền LHQ đã thông qua nghị quyết xếp hành động kiểm duyệt Internet vào nhóm vi phạm nhân quyền.
Bình luận (0)