Trang tin HealthDay News dẫn lời TS Bahareh Keith và cộng sự rằng trước khi có Facebook, cha mẹ có thể gây khó chịu cho trẻ khi đưa cho bạn bè xem hình ảnh của chúng hồi nhỏ, hình ảnh đó giờ xuất hiện trên mạng. Những điều mà cha mẹ xem là kỷ niệm của con cái có thể khiến chúng không cảm thấy thoải mái và không muốn nhắc lại. Trong tình huống rủi ro đáng tiếc, bọn tội phạm có thể dựa vào đó để truy tìm nhân thân với ý đồ lấy cắp tài sản, ấu dâm hoặc mục đích xấu khác. Tuy nhiên, các chuyên gia không hẳn ngăn cản phụ huynh chia sẻ hình ảnh nhưng khuyến nghị nên chia sẻ một cách thận trọng và khôn ngoan, lưu ý không chia sẻ những chi tiết về đặc điểm và thông tin cá nhân, vị trí chính xác và đặc biệt là tôn trọng quyền riêng tư của trẻ.
Nhà báo Susan Muthalaly đang làm việc ở TP Amsterdam - Hà Lan cho biết ít khi nào chị đăng rõ hình ảnh con trai 9 tuổi Sami khi chia sẻ thông tin gia đình với bạn bè và người thân ở Ấn Độ. Susan và chồng cho rằng Sami nên hiện diện bên cạnh cha mẹ trong những hình ảnh được chia sẻ với bạn bè và người thân trên WhatsApp nhưng họ không đăng rõ chân dung cậu bé. Có vụ kiện gần đây tại Áo, một cô gái 18 tuổi đã khởi kiện cha mẹ mình sau khi họ từ chối rút khỏi Facebook hơn 500 hình ảnh của cô hồi nhỏ với cáo buộc vi phạm cuộc sống riêng. Cô không thích những hình ảnh lúc cô 5 tuổi mà cha mẹ đã chia sẻ với bạn bè mà theo cô, trông giống như “gái giả trai”.
Một nghiên cứu mới đây của Hội Nghiệp vụ chăm sóc trẻ những năm đầu (PACEY), trụ sở tại London - Anh, cho thấy có 4% trong số nhân viên chăm sóc trẻ nhận thấy dấu hiệu trẻ từ 3 đến 5 tuổi không thích ngoại hình của mình và 47% số người chứng kiến trẻ từ 6-10 tuổi âu lo về ngoại hình của bản thân.
Bình luận (0)