Từ sáng sớm 25-7, hàng ngàn người dân khắp nơi đã về Nhà Văn hóa thôn Lại Đà - quê nhà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - để dâng hương, viếng Tổng Bí thư. Toàn bộ các hộ dân ở thôn Lại Đà treo cờ rủ tưởng nhớ người con ưu tú của quê hương.
Bùi ngùi, vấn vương
4 giờ sáng ở thôn Lại Đà, nhiều nhà dân đã bật đèn sáng vì thao thức không ngủ được từ hôm nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Ông Ngô Bá Dục (từng học cùng Tổng Bí thư) sốt ruột chống gậy đi bộ ra nơi tổ chức lễ viếng từ sáng sớm.
Cùng lớn lên và học chung một lớp từ cấp 1 đến hết cấp 3, ông Dục và người bạn Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều kỷ niệm. Tiễn Tổng Bí thư lần cuối, ông Dục không kìm được những giọt nước mắt. Đôi chân ông run run, đứng không vững, phải có người đỡ vào viếng.
"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hiền hòa, học giỏi và chữ viết rất đẹp. Dù nhà nghèo, học hết cấp 1, nhóm học trò chúng tôi vẫn đi thuê trọ để tiếp tục theo đuổi con chữ với hành trang mỗi tháng là 15 đấu gạo. Mỗi giờ tan học, chúng tôi lại rủ nhau ra sông Hồng vớt củi… Sau này, dù là người đứng đầu Đảng, rất bận rộn nhưng Tổng Bí thư vẫn thường về quê, thăm hỏi, nói chuyện rất gần gũi với mọi người. Tổng Bí thư là người con ưu tú, xuất sắc của thôn Lại Đà" - ông Dục nghẹn ngào.
Từ sáng sớm, ông Vương Khắc Duy (bạn học hồi phổ thông với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) ngồi trên xe lăn, được người thân đưa tới lễ viếng. Nhà ông Duy cách nhà Tổng Bí thư không xa. Thời cấp 1, ông cùng Tổng Bí thư học trường làng, sau đó lên cấp 2, cấp 3 phải đi học xa nhà. Câu chuyện củ sắn, củ khoai quê nhà, mặc chung quần áo thời niên thiếu luôn khắc sâu trong tâm trí ông.
"Những câu chuyện và kỷ niệm thuở xưa vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Hôm nay, tôi và hàng ngàn người dân đến thắp nén hương tưởng nhớ người bạn, người con ưu tú nhất của quê hương. Lòng tôi không khỏi bùi ngùi, vấn vương" - ông Duy bộc bạch.
Cụ Nguyễn Văn Tuế (93 tuổi; người dân thôn Lại Đà) cho biết sau khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cả mấy đêm nay cụ không thể ngủ được. Sáng sớm nay, dù sức khỏe yếu nhưng cụ vẫn một mình chống gậy ra khu vực tổ chức lễ viếng.
Cụ Tuế tự hào: "Quê hương Lại Đà đã sinh ra Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người con hết lòng vì đất nước, vì nhân dân. Chúng tôi vô cùng thương tiếc đồng chí" .
Người dân khắp nơi đến viếng
Đứng trên cầu Đông Trù - gần đường vào nơi tổ chức lễ viếng, chị Phan Thị Hoa (trú xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) mặc áo dài đỏ thêu sao vàng năm cánh, cuốn dải băng tang đen và mang theo di ảnh Tổng Bí thư chờ được vào viếng.
Dù tuổi đã cao và vừa trở về sau nhiều ngày điều trị tại bệnh viện nhưng ông Phạm Quang Thành (72 tuổi; trú xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) vẫn đi chuyến xe buýt sớm nhất để đến viếng Tổng Bí thư.
"Tôi cảm thấy an lòng khi được dâng nén hương đến Tổng Bí thư. Tôi thường theo dõi những phát biểu của Tổng Bí thư tại các hội nghị. Tổng Bí thư đã đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp chung của đất nước, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Sự ra đi của Tổng Bí thư để lại trong tôi niềm thương tiếc vô bờ" - ông Thành bày tỏ.
Từ 4 giờ sáng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Danh - chị Nguyễn Thị Thủy (trú TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã có mặt ở thôn Lại Đà để chờ được vào viếng. Anh Danh cho biết vợ chồng đón xe từ TP Vinh lúc 21 giờ đêm 24-7 để ra Hà Nội với mong muốn được thắp nén hương viếng Tổng Bí thư.
Có mặt từ 6 giờ sáng để chờ vào viếng, ông Nguyễn Đăng Vĩ cùng hơn 20 thương binh hạng nặng trên 81% ở huyện Đông Anh cho hay khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ai cũng rất xúc động, nhiều người khóc vì tiếc thương. Dù đi lại khó khăn nhưng ông và các đồng đội vẫn cố gắng đến thắp nén nhang viếng Tổng Bí thư...
Trong sổ tang, một người con Lại Đà xa quê đã xúc động viết những dòng tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Bác Trọng ơi, mấy hôm nay, quê hương Lại Đà đón nhiều người ở khắp nơi về viếng bác. Cùng các cụ tóc bạc, mắt ngấn lệ, các cháu cũng lặng lẽ tưởng nhớ Tổng Bí thư, tỏ lòng thương tiếc vì sự ra đi đột ngột của một vị lãnh đạo vì nước, vì dân mà cống hiến cả cuộc đời. Là người con xa quê, cháu về viếng Tổng Bí thư, mong những giờ phút thiêng liêng này sẽ là động lực để cháu học tập, trui rèn, cố gắng cống hiến cho cuộc sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn, có trách nhiệm hơn".
Hơn 15.000 lượt người đăng ký viếng Tổng Bí thư ở quê nhà
Người dân đến viếng Tổng Bí thư được ban tổ chức sắp xếp để xe cách điểm tổ chức lễ viếng khoảng gần 1 km. Khoảng 20 xe điện được dùng hỗ trợ người già yếu, còn đa phần người dân xếp hàng đi bộ vào điểm tổ chức lễ viếng. Dọc đường vào điểm tổ chức lễ viếng, các chốt trực của lực lượng công an, thanh niên tình nguyện được bố trí để bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời hỗ trợ nước uống, thức ăn nhẹ cho người dân đến viếng.
Thượng tá Lại Đức Mạnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đông Anh (Hà Nội), cho biết đến cuối giờ chiều 25-7, đã có hơn 500 đoàn với hơn 15.000 lượt người đăng ký và vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bình luận (0)