icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những bước đi chiến lược của ngành cao su (*): Xanh hóa chuỗi hành trình

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN

Các công ty cao su ở Đông Nam Bộ đã có nhiều sáng kiến tiên phong trong chuyển đổi xanh, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất và phát triển bền vững

Những ngày giữa tháng 7, các vùng chuyên canh cao su ở Đông Nam Bộ vào chính vụ khai thác năm 2025. Trên các lô cao su và nhà máy, công nhân hối hả lao động để kịp giao hàng cho đối tác.

Đạt chuẩn quốc tế

Đi giữa những cánh rừng của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh (tỉnh Đồng Nai) xanh bát ngát, nối dài tít tắp, chúng tôi có cảm tưởng như đang đi vào một khu du lịch sinh thái được chăm chút hết sức cẩn thận, gọn gàng. Không khí trong các lô cao su rất trong lành do chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Các lô cao su đều được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC (chuẩn quốc tế về bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững).

Từ năm 2020, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh bắt đầu tham gia Hệ thống Quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC với hơn 3.400 ha. Đến năm 2024, toàn bộ diện tích cao su hơn 10.000 ha của công ty đã được cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững, thuộc 7 đội sản xuất. Năm nay, công ty tiếp tục duy trì thực hành chứng chỉ Quản lý rừng bền vững trên toàn bộ diện tích cao su.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho biết từ cuối năm 2024, doanh nghiệp (DN) đã khởi động dự án phần mềm quản lý thương mại và truy vết chuỗi sản phẩm thích ứng quy định về sản xuất hàng hóa không gây mất rừng, suy thoái rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU). Đến tháng 3-2025, công ty nghiệm thu phần mềm này và chính thức đưa vào sử dụng.

Những bước đi chiến lược của ngành cao su trong phát triển bền vững - Ảnh 3.

Việc tái chế bùn thải thành phân bón hữu cơ - vi sinh đã mang lại nhiều tỉ đồng/năm cho Công ty CP Cao su Phước Hòa

"Phần mềm này đã giúp DN nâng cao năng lực quản trị, bảo đảm tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, đón đầu các quy định quốc tế; là cơ sở vững chắc để các sản phẩm tiếp tục đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính như: Ý, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ…" - ông Giang nhấn mạnh.

Cũng tại Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng - đang quản lý gần 19.000 ha cao su - cũng sớm hiện thực hóa mô hình tăng trưởng xanh, gắn liền với phát triển bền vững. Ông Lưu Thế Doanh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty - cho biết đến nay, sản lượng khai thác của DN đạt hơn 7.200 tấn, hoàn thành 33,4% kế hoạch, thuộc tốp đầu của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Dự kiến cả năm, sản lượng khai thác sẽ đạt trên 24.000 tấn - vượt 10% kế hoạch. Năng suất vườn cao su của DN đạt trên 2,2 tấn/ha, duy trì 20 năm liên tiếp trong câu lạc bộ 2 tấn của tập đoàn.

Về chiến lược phát triển xanh, ông Lưu Thế Doanh cho hay công ty đã chuyển đổi sử dụng nguồn cung cấp nhiệt sấy mủ cao su từ gas LPG sang biomass; dùng hệ thống điện năng lượng mặt trời trên toàn bộ mái nhà từ năm 2023. DN luôn duy trì tốt, hiệu quả hệ thống quản lý rừng cao su bền vững theo tiêu chuẩn PEFC/VFCS với toàn bộ diện tích gần 19.000 ha; thực hiện hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm CoC theo tiêu chuẩn PEFC-CoC từ năm 2019.

Ngoài ra, từ cuối năm 2024, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã hoàn chỉnh bản đồ số vườn cây theo vị trí địa lý và hệ thống trách nhiệm giải trình PEFC-EUDR-DDS đáp ứng được quy định EUDR. "Từ tháng 5-2025, toàn bộ nội dung về sản xuất sản phẩm từ mủ, gỗ cao su đã hoàn tất, bảo đảm tuân thủ quy định của EU. Công ty đang bán sản phẩm cao su thích ứng quy định EUDR cho một số khách hàng châu Âu" - ông Doanh thông tin.

Các vùng đất cằn cỗi, bị chiến tranh tàn phá nay trở thành những lô cao su xanh mướt, cho mủ đều đặn và tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động. Trong đó, 458 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Các sáng kiến xanh hóa giúp tiết kiệm tiền tỉ

Từ năm 2020 đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng đã chuyển đổi việc sấy mủ từ bằng gas sang nhiệt biomass. Tại khu vực lò đốt của DN, hàng chục tấn dăm gỗ được tập kết để chuẩn bị sấy mủ. Theo ông Lương Hồng Sắc, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng và Thị trường kinh doanh, không chỉ chất lượng mủ khi sấy được nâng lên, việc sử dụng biomass còn giúp tiết kiệm nhiều tỉ đồng mỗi năm.

Ông Sắc so sánh: "Để sấy 1 tấn mủ cao su thì tốn khoảng 440.000 đồng tiền gas nhưng nếu sấy bằng biomass thì chỉ cần 305.000 đồng. Hằng năm, sản lượng trung bình của công ty khoảng 30.000 tấn mủ, sử dụng khoảng 5.400 tấn dăm gỗ để sấy với chi phí khoảng 9 tỉ đồng; nếu dùng gas thì tiêu tốn khoảng 12 - 13 tỉ đồng. Như vậy mô hình biomass đã giúp DN tiết kiệm khoảng 4 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, phế phẩm tro đốt lò còn được trộn với bùn thải, chế biến thành phân bón hữu cơ cho cây cao su".

Tại Công ty CP Cao su Phước Hòa (TP HCM), tiếng động cơ dây chuyền sản xuất ở Xưởng phân bón Phước Hòa chạy rầm rập giữa không gian bạt ngàn rừng cao su. Phía đầu dây chuyền, một công nhân lái máy xúc vận chuyển từng khối bùn đưa vào hệ thống. Ở cuối dây chuyền, 2 công nhân tất bật mang ra các bao phân thành phẩm... Chỉ trong tích tắc, từ nguyên liệu đầu vào là bùn thải đã biến thành những bao phân bón hữu cơ - vi sinh mang thương hiệu Phước Hòa.

Phụ trách xưởng sản xuất phân bón, ông Lê Quốc Duy, giải thích hằng năm trong quá trình xử lý mủ cao su, một lượng bùn thải khá lớn, khoảng 10.000 tấn, tồn đọng. Trước thực tế phải chi hàng tỉ đồng để xử lý lượng bùn thải này, từ năm 2015, đội ngũ cán bộ của công ty đã tiến hành nghiên cứu với mục tiêu biến thành phân bón. Năm 2019, công trình đã được cơ quan chức năng cấp phép và đưa vào vận hành với công suất 1.000 tấn phân bón/năm.

Theo ông Duy, phân bón hữu cơ - vi sinh Phước Hòa hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Công ty nhiều năm qua không tốn chi phí thuê đơn vị bên ngoài xử lý bùn thải mà còn có khoảng 1.000 tấn phân bón/năm để bón cho các vườn cao su. Giá phân bón do xưởng sản xuất khoảng 1,6 triệu đồng/tấn. Cũng loại phân hữu cơ này, nếu mua ngoài thị trường thì giá hơn 2 triệu đồng/tấn. Công trình đã làm lợi cho công ty nhiều tỉ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, Công ty CP Cao su Phước Hòa đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động theo định hướng tăng trưởng xanh qua việc tái thiết vườn cao su. Việc này được thực hiện đồng bộ từ khâu xây dựng vườn ươm, vườn nhân giống nhằm chủ động nguồn cây giống đạt chuẩn, bảo đảm chất lượng từ khi trồng, chăm sóc đến khai thác mủ.

Công ty CP Cao su Phước Hòa đã hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững. Hơn 3.300 ha trong tổng số hơn 13.000 ha cao su của DN đã đạt chứng nhận theo Hệ thống Chứng chỉ rừng bền vững VFCS/PEFC. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% diện tích cao su sẽ đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững.

Không chỉ tuân thủ các tiêu chuẩn xanh tại vườn cây, Công ty CP Cao su Phước Hòa còn chú trọng "xanh hóa" 3 nhà máy chế biến và đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm tiêu chuẩn PEFC-CoC. Nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm chi phí, công ty đã chuyển đổi các lò xông sấy từ dầu DO sang sử dụng biomass và khí gas.

"Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái sản xuất xanh, bền vững, gắn kết chặt chẽ giữa DN với người trồng cao su - cộng đồng và chính quyền địa phương, từ đó tạo ra giá trị lâu dài cho toàn bộ chuỗi cung ứng" - ông Trần Hoàng Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa, nhấn mạnh.

Cũng biến bùn thải thành phân bón cho cây cao su nhưng Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long (Đồng Nai) lại theo quy trình khác - dùng bùn thải nuôi trùn quế lấy phân bón. Ông Bùi Đình Bảy, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho biết bùn thải từ quá trình sản xuất mủ cao su được xử lý, sau đó đưa đến hệ thống máy ép. Mỗi năm, hệ thống sản xuất khoảng 500 tấn phân trùn quế để bón lại cho cây cao su.

"Hiện tại, công ty có 2 địa điểm nuôi trùn quế để lấy phân như thế. Trước đây, công ty phải tốn khá nhiều tiền để xử lý bùn thải nhưng nay, với công trình này, chúng tôi không những không mất tiền xử lý bùn mà còn có phân trùn quế bón lại cho cây cao su" - ông Bảy cho biết. 

KCN xanh - sạch - hiện đại

Đến nay, KCN Tân Bình (352 ha, giai đoạn 1) - do Công ty CP KCN Tân Bình, thành viên Công ty CP Cao su Phước Hòa, làm chủ đầu tư - đã cơ bản được lấp đầy. Trong 5 năm liên tiếp (2019 - 2023), đơn vị đạt chứng chỉ DN Bền vững (CSI), được xếp là DN hạng 1 và nhận Giải Sao Vàng Đất Việt năm 2021.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tân Bình, ông Nguyễn Anh Tuấn, KCN này định hướng sẽ trở thành hình mẫu KCN xanh - sạch - hiện đại, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của TP HCM và thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-7

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo