TP HCM là một trung tâm kinh tế phát triển, nơi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ cùng nhịp sống sôi động và những tòa nhà chọc trời hiện đại. Dẫu vậy, giữa lòng thành phố sầm uất vẫn hiện diện những cổ thụ, như những chứng nhân sống động của lịch sử qua bao thế hệ.
Theo đó, từ những năm 1860, người Pháp đã bắt đầu triển khai kế hoạch trồng cây xanh dọc các vỉa hè trên đường phố ngay từ khi đặt chân chiếm đóng mảnh đất này.
Trong các tài liệu lịch sử còn lưu giữ, những hàng cây sao hiện diện trong công viên 30 Tháng 4 (còn gọi là khu Hàn Thuyên) được trồng từ năm 1882. Đây được xem là một trong những khu vực sở hữu thảm thực vật lâu đời nhất còn tồn tại giữa lòng thành phố năng động.
Cách đó không xa, trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi bật hàng cây sọ khỉ cao lớn vươn mình che bóng mát. Con đường này không chỉ có giá trị cảnh quan mà còn đưa lối đến nhiều địa điểm quan trọng, như Thảo Cầm Viên Sài Gòn hay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tạo nên một không gian kết nối giữa lịch sử, thiên nhiên và con người.
Tại đường Trương Định (quận 1), hàng cây dầu sừng sững chia Công viên Tao Đàn thành hai khoảng không gian rợp bóng xanh mát.
Với diện tích lên đến 10 ha, công viên hiện nay là nhà của hơn 100 loài cây khác nhau, trong đó nhiều cây đã tồn tại hơn một thế kỷ.
Bên trong công viên còn lưu giữ những công trình mang ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc như đền thờ các Vua Hùng, tháp Chăm hay tượng đài cờ lau gắn liền với hình ảnh thời niên thiếu của vua Đinh Tiên Hoàng... thường xuyên tổ chức nhiều sự kiện văn hoá, thu hút người dân và du khách.
Một trong số những loại cây xuất hiện từ rất sớm ở TP HCM thời kỳ thuộc địa là cây me. Với tán lá dày và khả năng phủ bóng tốt, cây me trở thành lựa chọn lý tưởng so với nhiều loại cây khác. Điển hình là con đường Nguyễn Du (quận 1), nơi mà một bên là hàng me xanh ngắt và bên còn lại là những gốc xà cừ rợp bóng cổ kính.
Những hàng cây cổ thụ xanh mướt góp phần làm đẹp cảnh quan cho thành phố, đóng vai trò thiết thực trong việc cải thiện môi trường sống. Chúng giúp điều hòa nhiệt độ, cản gió, ngăn bụi và giảm bớt tiếng ồn tác động từ các phương tiện giao thông tấp nập.
Sinh sống tại TP HCM hơn 60 năm, bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1963, ngụ quận 1) chia sẻ rằng những cổ thụ ở thành phố không chỉ mang lại bóng mát mà còn làm cho đô thị mỹ quan hơn.
Bà Hồng bộc bạch rằng cây xanh luôn gắn bó mật thiết với đời sống người dân nơi đây. Trải qua gần một đời người, bà vô cùng yêu quý và trân trọng những hàng cây, đặc biệt là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi - biểu tượng chứa đựng nhiều giá trị lớn, đồng hành cùng sự phát triển của thành phố theo dòng chảy thời gian.
Bình luận (0)