xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những điểm tựa yêu thương (*): Nơi con chữ nở hoa, hy vọng được thắp sáng

Bài và ảnh: KHẮC HIẾU

Hơn một thập kỷ, lớp học của chị Nguyễn Ngọc Hà là mái nhà ấm áp, nơi gieo chữ và thắp niềm tin tương lai cho trẻ em khó khăn

Lớp học đầy ắp tình người và tiếng cười ấy nằm trong căn nhà nhỏ trên đường Huỳnh Văn Cù (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Bằng tình thương, sự kiên trì và bao dung, lớp học là nơi gieo chữ, vun đắp tri thức và niềm tin vào tương lai cho các em nhỏ sớm phải vào đời, bươn chải kiếm sống.

Ươm mầm tương lai

Lớp học hiện có 14 học sinh, phần lớn là con em gia đình lao động nghèo. Cuộc sống khó khăn cuốn các em vào vòng xoáy lao động từ sớm, phụ giúp gia đình với đủ việc như bán vé số, nhổ lông gà vịt, phụ sửa xe, gia công túi xách...

Thế nhưng, khi chiều buông, sau một ngày dài rong ruổi lo toan, các em lại tự giác tìm đến lớp học bắt đầu lúc 17 giờ 30 phút. Đây không chỉ là nơi các em học những nét chữ đầu đời, mà còn là mái nhà ấm áp, nơi các em tìm thấy sự quan tâm, vỗ về và niềm hy vọng. Giữa những buổi học đơn sơ, một niềm tin được vun đắp, đó là niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn nếu được học hành.

Trong số đó, Trịnh Thanh Vàng (16 tuổi) đã theo học lớp tình thương này được 4 năm. Ngày mới vào, Vàng chưa biết chữ, viết tên mình còn chưa sõi. Nhờ sự dìu dắt của thầy cô, em giờ đã đọc thông, viết thạo, tự tin cầm quyển sách, viết nên ước mơ đời mình. Ban ngày, Vàng học nghề sửa xe máy tại tiệm gần nhà - công việc khá nặng nhọc so với tuổi, nhưng Vàng chưa một lời than vãn, luôn lễ phép và giữ nụ cười lạc quan.

Em Nguyễn Trúc Nghi (14 tuổi) lại mang dáng vẻ rụt rè. Em đang học lớp 3 tại đây sau khi phải dang dở việc học ở trường công vì gánh nặng mưu sinh. Từ 6 giờ đến 17 giờ mỗi ngày, Nghi cặm cụi gia công túi xách và phụ bà nội việc nhà. Hai bà cháu chỉ kiếm được khoảng 120.000 đồng/ngày. Ở tuổi ăn tuổi học, Nghi đã sớm quen với nhịp sống cần mẫn, trưởng thành hơn qua từng gánh nặng cuộc đời.

Những điểm tựa yêu thương (*): Nơi con chữ nở hoa, hy vọng được thắp sáng - Ảnh 1.

Lớp học tình thương của chị Nguyễn Ngọc Hà là nơi gieo chữ và thắp niềm tin tương lai cho trẻ em lao động nghèo

Một hoàn cảnh đặc biệt khác là Lê Thị Kim Ngân, cô bé có đôi mắt đen láy và giọng nói nhỏ nhẹ nhưng đầy nghị lực. Mẹ bỏ đi, cha mất sớm, Ngân sống cùng bà nội. Tuổi thơ em là những ngày theo bà bán vé số. Khi bà yếu đi, em nhổ lông gà vịt thuê, mỗi ngày khoảng 30 con, kiếm được 200.000 đồng. Dù mệt nhoài, tối nào Ngân cũng đều đặn đến lớp. Bên ánh đèn vàng và tiếng giảng bài ân cần, em như được tiếp thêm sức mạnh.

"Khó khăn của con là không được đến trường như các bạn, phải phụ giúp gia đình. Con luôn tự nhủ phải cố gắng học chăm chỉ. Con mong sau này kiếm tiền nuôi bà nội. Ước mơ của con là làm cô giáo, để giúp các bạn nhỏ có hoàn cảnh giống mình" - Ngân chia sẻ, ánh mắt ánh lên niềm tin vào ngày mai.

Lớp học tình thương này thực sự là nơi thắp lên hy vọng, nuôi dưỡng những ước mơ giản dị nhưng cao đẹp của những đứa trẻ sớm phải bươn chải giữa đời.

Gieo yêu thương bằng con chữ

Hơn 10 năm gắn bó với lớp học, chị Nguyễn Ngọc Hà vẫn nhớ như in những kỷ niệm, đặc biệt là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát khiến lớp phải tạm dừng. Những cuộc gọi tha thiết từ phụ huynh, những dòng tin nhắn vụng về: "Cô ơi, con nhớ cô, nhớ mấy bạn, con muốn đi học" của đám trẻ chưa tròn lớp 1 đã thôi thúc chị không ngừng nỗ lực.

"Chính sự chờ đợi đầy yêu thương ấy khiến tôi không đành lòng buông bỏ" - chị Hà chia sẻ. Chị đã chủ động liên hệ Đoàn phường, đại diện cho giáo viên, học sinh và phụ huynh, xin hỗ trợ mở lại lớp. "Thời khắc nhận được sự đồng thuận, lòng tôi như vỡ òa. Tôi tự nhủ, trách nhiệm này có lớn cỡ nào, chỉ cần mình dùng cái tâm để gánh thì nặng mấy cũng hóa nhẹ" - chị Hà nói.

Đại diện lớp nhận hỗ trợ từ cộng đồng, chị Hà thấm thía câu nói "của cho không bằng cách cho". Chị trân trọng những tấm lòng đến với lớp bằng sự chân thành, tử tế, dù quà lớn hay nhỏ. "Chỉ cần sự hiện diện, vài câu nói, nụ cười dễ thương cũng đủ làm ấm lòng nhau rồi" - chị bày tỏ.

Như một lẽ tự nhiên, lớp học thu hút thêm những trái tim tình nguyện khác. Anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi), dù làm việc tại Bến Cát, vẫn đều đặn vượt 20 km đến lớp mỗi tuần 3 buổi sau giờ làm. Biết lớp qua mạng xã hội, anh gắn bó bởi sự tận tâm và cảm phục tinh thần ham học của những đứa trẻ ban ngày phụ giúp gia đình mưu sinh, tối đến lớp miệt mài học chữ. "Dù không được đào tạo sư phạm nhưng chính tinh thần ham học của các em là động lực để tôi cố gắng" - anh Bảo nói.

Ban đầu, lớp có gần 80 em. Nhờ sự kết nối của tình nguyện viên với chính quyền, nhiều em đã được hỗ trợ làm thủ tục để trở lại trường chính quy. Sĩ số giảm dần lại là niềm vui của các thầy cô, bởi điều đó đồng nghĩa với việc số trẻ cần xóa mù chữ ngày một ít đi.

Cũng như anh Bảo, chị Vũ Lê Hà (29 tuổi), giảng viên Trường Đại học Bình Dương, dù nhà cách lớp 40 km nhưng tuần 3 buổi, sau giờ lên lớp, chị vẫn vượt đường xa đến dạy chữ. Với chị, sự ngoan ngoãn, lễ phép và tình cảm đặc biệt của học trò là động lực lớn lao. Dù vất vả cân bằng công việc, gia đình và việc dạy tình nguyện, chị may mắn có gia đình ủng hộ để tiếp tục gieo yêu thương bằng con chữ.

Giữa nhịp sống mưu sinh, lớp học tình thương vẫn âm thầm sáng đèn mỗi tối, trở thành mái nhà thứ 2 cho những đứa trẻ khao khát tri thức. Mỗi bài giảng, ánh nhìn trìu mến của các thầy cô tình nguyện đang nuôi dưỡng những ước mơ nhỏ bé, thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Điều đẹp nhất có lẽ là những con chữ giản dị đang nở hoa - không chỉ trên giấy trắng, mà trong chính trái tim người dạy và người học. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo