xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những làng võ nổi tiếng dọc sông Côn

Đức Anh

(NLĐO) - Bình Định được mệnh danh là miền đất Võ. Không biết do ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt của lịch sử mà những làng võ nổi tiếng nhất của Bình Định đều nằm dọc sông Côn.

Từ phong trào học võ để bảo vệ

An Vinh (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn) và An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn) là 2 làng võ nổi tiếng nhất Bình Định, nằm cách nhau một dòng sông Côn. Hai làng này từng có nhiều võ đường, sản sinh ra nhiều võ sư huyền thoại.

Những làng võ nổi tiếng dọc sông Côn- Ảnh 1.

Làng An Vinh bên bờ sông Côn là một trong những cái nôi của võ cổ truyền Bình Định

Nhiều người dân địa phương cho biết trước đây, 2 làng An Vinh và An Thái toàn thương gia nên rất khá giả. Để bảo vệ của cải trong nhà và chống lại thú rừng, các thương gia trong 2 làng đua nhau cho con cái, người thân học võ. Phong trào học võ ở 2 làng này đi lên từ đó.

Theo con đường ven sông Côn rợp mát bóng tre, chúng tôi tìm đến nhà võ sư Trần Dần (80 tuổi; ngụ thôn An Vĩnh, xã Tây Vinh) - người một thời khét tiếng trên các võ đài miền Nam. Thầy của võ sư Trần Dần là Hương kiểm Mỹ, vốn là đệ tử ruột của Hương Mục Ngạc - người sáng lập ra quyền An Vinh nổi tiếng.

Theo võ sư Trần Dần, thời ông còn nhỏ, vào mùa hè, nước sông Côn cạn, bãi cát rộng ven sông luôn có đông người dân 2 làng An Vinh, An Thái ra cởi trần luyện võ. Hôm nào cũng vậy, dù sáng, chiều hay buổi tối đều nghe tiếng hô của người luyện quyền, múa côn.

Mỗi ngày, võ sư Trần Dần đều theo sư phụ của mình là võ sư Hương Kiểm Mỹ ra bờ sông Côn. Buổi sáng khi nước lên thì chạy dưới dòng sông để luyện thể lực; trưa nắng lăn mình trên bãi cát nóng để luyện ý chí, độ lì của thân thể… Nhiều đêm, thanh niên 2 làng An Vinh, An Thái thường kéo nhau ra bãi cạn giữa dòng sông Côn để phân tài cao thấp.

Trong câu chuyện kể của võ sư Trần Dần, ông ấn tượng nhất là hồi kháng chiến chống Pháp, ông đã được chứng kiến cảnh trai tráng trong làng phục kích tên huyện trưởng, dùng tài võ nghệ đánh tan tác bọn lính bảo vệ, rồi bắt trói bỏ lên thuyền xuôi sông Côn về Quy Nhơn giao nạp cho cách mạng.

Những làng võ nổi tiếng dọc sông Côn- Ảnh 3.

Một buổi luyện võ bên bờ sông Côn

Trước năm 1945, An Vinh là làng quê trù phú, người dân sinh sống bằng nghề làm ruộng, một số ít làm nghề buôn, chài lưới… Thanh niên trong làng thường chất phác, cần cù, chăm chỉ làm ăn. Làng An Vinh bắt đầu nổi tiếng giỏi võ từ thời ông Hương Mục Ngạc (tên thật là Nguyễn Ngạc), người được mệnh danh là ông tổ của làng võ này. Tiếp sau đó là những người con của ông Ngạc như: Bảy Lụt, Tám Cảng, Chín Giác và các học trò như: Sáu Hà, Hương Kiểm Mỹ, Hai Tửu…

Trong khi đó, làng An Thái có nhiều gia đình xuất thân là người gốc Hoa, rất yêu thích võ thuật. Trai làng An Thái rất hào hoa, đa số biết võ nghệ, thường đi chơi khắp nơi. Võ sư Tàu Sáu (tên thật là Diệp Trường Phát) là ổng tổ của các võ đường ở làng An Thái. Sau này, làng An Thái có 4 lò võ lớn là: Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang (tức phái Tàu Sáu) và Hồ Hoành.

Đấu võ để chọn chồng

Theo người dân địa phương, nhân vật "gái An Vinh" trong câu ca dao "Trai An Thái, gái An Vinh" là bà Tám Cảng, tên thật là Nguyễn Thị Cảng - con gái của ông Hương Mục Ngạc. Biết tính con gái ngang ngạnh, ương bướng nên ông Hương Mục Ngạc không cho học võ vì sợ khó lấy chồng.

Những làng võ nổi tiếng dọc sông Côn- Ảnh 4.

Võ sư Trần Dần đi quyền

Tuy nhiên, mỗi lúc cha dạy võ ngoài sân, bà Tám Cảng nấu ăn trong bếp lén học theo. Nhờ có năng khiếu, siêng năng luyện tập nên Tám Cảng càng lớn càng giỏi võ, nổi tiếng trong vùng.

Hồi trẻ, bà Tám Cảng có thể hình to lớn và nổi tiếng xinh đẹp, giỏi võ. Mỗi khi có đoàn tổ chức hát tuồng ở dọc bờ sông Côn, trai tráng 2 làng tập trung đi xem. Nhiều lần, thanh niên làng An Thái kéo nhau trêu ghẹo hay sàm sỡ bà Tám Cảng đều bị bà đánh cho bỏ chạy tan tác.

Ông Hương Mục Ngạc thách chàng trai nào đánh thắng bà thì sẽ nhận làm con rể. Nhiều người đến thử sức đều bị bà Tám Cảng đánh bại. Lúc ấy, ông Dư Hữu ở làng bên cạnh cũng tìm tới nhưng đấu được vài chiêu đã bị bà Tám Cảng đá văng xuống ao cá trước nhà. Ông Dư Hữu tiếp tục tìm thầy học võ và năm sau lại sang thách đấu.

Trong khi giao đấu, Tám Cảng định giở thế đá cũ nhưng Dư Hữu biết trước tránh được và nắm cổ chân quẳng bà nằm dài trên bờ giậu. Hai người nên duyên vợ chồng.

"Thiếu lâm tự" của Bình Định

Tiếp tục đi về khu vực hạ nguồn sông Côn, chúng tôi tìm đến chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) - nơi được tôn vinh là "Thiếu lâm tự" của Bình Định. Ra đời sau những làng võ danh tiếng như An Thái, Thuận Truyền, An Vinh... nhưng phái võ chùa Long Phước đang dần khẳng định được vị thế trong dòng võ cổ truyền Bình Định.

Những làng võ nổi tiếng dọc sông Côn- Ảnh 6.

Hòa thượng Thích Hạnh Hòa chỉ dạy võ cho các tăng nhân chùa Long Phước

Môn phái võ cổ truyền chùa Long Phước ra đời từ sau những ngày đất nước giải phóng, do hòa thượng Thích Hạnh Hòa trụ trì chùa (nay là hòa thượng Viện trưởng chùa Long Phước) sáng lập. Ban đầu, hòa thượng Thích Hạnh Hòa và đệ tử của ông là Thích Vạn Thanh (tức võ sư Nguyễn Đông Hải) trực tiếp đứng ra dạy võ thuật.

Mãi đến năm 1986, Sở TD-TT Bình Ðịnh thuyết phục được hòa thượng Thích Hạnh Hòa mở CLB Võ thuật cổ truyền chùa Long Phước để phổ biến võ học.

Lò võ chùa Long Phước đã lần lượt xuất hiện hàng loạt những tên tuổi thành danh tại các giải vô địch quốc gia, như: Nguyễn Ðức Thắng với bài U linh thương, Nguyễn Văn Cảnh với bài Tru hồn kiếm, Võ Văn Tính với bài Chấn lôi âm tiên, Trần Duy Linh với bài Lôi long đao...

Hiện chùa Long Phước là nơi đóng góp nhiều võ sinh cho đội tuyển và các lớp năng khiếu võ thuật của tỉnh Bình Định. Điển hình như võ sư cao cấp Trần Duy Linh, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - là một trong những đệ tử xuất sắc của phái võ cổ truyền chùa Long Phước.

Những làng võ nổi tiếng dọc sông Côn- Ảnh 7.

Biểu diễn võ thuật tại chùa An Phước

Anh bắt đầu học võ tại chùa Long Phước năm 13 tuổi với hòa thượng Thích Hạnh Hòa và Thích Vạn Thanh. Thời còn đi thi đấu, võ sư Trần Duy Linh đã đoạt nhiều huy chương về các bộ môn võ cổ truyền. Ngoài công tác huấn luyện cho các đội tuyển võ thuật tỉnh Bình Định, hiện võ sư Linh còn tham gia các nhóm sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lại những tuyệt kỹ võ học cổ truyền của dân tộc và được mời vào Ban chuyên môn, Ban huấn luyện Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam.

Sông Côn là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định với chiều dài 35 km, chảy qua thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) và các huyện, thị xã của Bình Định, gồm An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước. Trên hành trình của dòng nước đó, một dòng lịch sử hào hùng của võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định đã được bồi đắp. 

Võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ vào nửa cuối thế kỷ 15, sau khi nhà Lê mở rộng nước Đại Việt về phía Nam, trong cuộc sống những ngôi làng ven sông Côn. Người học võ để giữ nhà, giữ đất, chống thú dữ ở đất hoang. Đỉnh cao của võ cổ truyền là cuộc khởi nghĩa của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và vương triều Quang Trung của những nông dân yêu nước.

Với vị trí địa lý chảy qua nhiều huyện của tỉnh Bình Định, bờ sông Côn trở thành nơi chứng kiến và gìn giữ ký ức võ cổ truyền với nhiều làng võ nổi tiếng ven bờ sông như An Vinh, An Thái, Thuận Truyền, Cây Bông, Cảnh Hàn, Nước Mặn, Háo Lễ...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo