Tiều phu đả hổ dữ
Tương truyền, quyền ba chân hổ được khai sinh tại khu vực núi Bà, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tại đây, trên 200 năm trước xuất hiện một con cọp ba chân to lớn, rất hung dữ.
Võ sư Hà Trọng Kha Vy với bài quyền ba chân hổ
Thời điểm ấy, nhiều người dân tại khu vực núi Bà thường xuyên bị hổ vồ, ăn thịt. Trong đó, có một con hổ ba chân to lớn, rất hung dữ. Một thời gian dài, con hổ ba chân trở thành nỗi khiếp đảm của người dân trong vùng.
Một hôm, có một người tiều phu vào rừng đốn củi, khi quay về làng thì trời đã xẩm tối. Người tiều phu chưa kịp rời rừng đã nghe mùi tanh tưởi bốc ra, khi quan sát thì kinh hoàng phát hiện một con cọp to lớn, đứng trên 3 chân to tướng, nhe nanh chực vồ. Chưa kịp định thần, người tiều phu đã bị con cọp lao vào tấn công.
Vốn là một cao thủ ẩn dật, người tiều phu nhanh chóng xoay người né tránh, dùng đòn gánh đã được vuốt nhọn hai đầu đâm vào mạn sườn con hổ. Trúng đòn, mãnh hổ quay lại thủ thế hòng nuốt tươi con người bé nhỏ.
Dưới ánh trăng đêm, người tiều phu liên tục bị con hổ ba chân lao tới vồ, lúc phóng lên không, khi trụt xuống, đánh những cú trời giáng vào người. Tuy nhiên, chỉ với chiếc đòn gánh, ông đã hóa giải được những đòn tấn công của hổ dữ.
Qua một đêm đánh nhau, cuối cùng người và thú đều sức cùng lực kiệt. Sau đó, người tiều phu đành ngồi xếp bằng, ôm đòn gánh được vuốt nhọn chống lên với hy vọng mong manh từ một cú phóng tới chộp mồi của hổ giữ.
Không ngờ, điều kỳ diệu đã xảy ra, con hổ dữ phóng mình lên không, giơ vuốt nhọn chụp xuống, bóng nó phủ kín người tiều phu. Một tiếng gầm xé trời, con hổ dữ trúng đòn hiểm nhưng nó vẫn vùng vẫy, sau đó chạy thoát vào rừng. Từ đó, người dân không còn thấy con hổ hung tợn ngày nào về làng quấy phá nữa.
Võ sư Hà Trọng Sơn lúc sinh thời
Trở về làng, người tiều phu nhớ lại cảnh chiến đấu cùng thú dữ, nhận thấy những cú vồ của mãnh hổ như những đòn thế võ học tuyệt kỹ. Sau đó, người tiều phu ghi lại thành những thế võ rồi dụng công tập luyện để nó trở thành tuyệt kỹ quyền ba chân hổ danh chấn lúc bấy giờ. Khi luyện thành công quyền ba chân hổ, người tiều phu phổ biến với dân làng để nó trở thành một thứ vũ khí chống thú dữ, giặc ngoại xâm.
Đến "hùm xám" hai miền Trung, Nam
Cứ thế, bài quyền ba chân hổ được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng dân cư núi Bà. Sau đó, cố võ sư Hà Trọng Sơn (1924 - 2010) với biệt danh "hùm xám miền Trung" may mắn học được bài quyền này.
Cách khu vực núi Bà khoảng vài cây số theo đường chim bay, nhà của cố võ sư Hà Trọng Sơn lúc sinh thời hiện vẫn còn tại xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Từ ngày ông mất, ngôi nhà này phải đóng cửa, giao lại cho người con gái là bà Hà Thị Phi (67 tuổi) trông coi.
Theo bà Phi, ông Hà Trọng Sơn đam mê võ thuật từ nhỏ. Năm 8 tuổi, ông được những người anh trong họ hàng dạy võ. Sau đó, ông theo học rất nhiều võ sư khác. Đến năm 17 tuổi, ông được một sĩ quan người Pháp là đồn trưởng đồn Mang Cá (ở Huế) dạy đấu quyền anh...
Năm 1943, tại đại hội quyền thuật Đông Dương tổ chức ở Nha Trang, ông Hà Trọng Sơn đã giành chiến thắng trước võ sĩ nổi tiếng của Pháp là F.Nicolai và võ sĩ Tiết Mãnh, vốn là tay đấm lừng danh của Đông Dương lúc bấy giờ. Tháng 10-1944, tại hội thi võ thuật Đông Dương tổ chức tại Đà Nẵng, ông Sơn có trận đấu chung kết với một võ sĩ người Pháp là Esperpaire, một tay đấm bất bại cho đến thời điểm đó.
Võ sĩ Esperpaire cao, to, nặng hơn Hà Trọng Sơn rất nhiều nên khi vào trận đấu, nhiều người tỏ ra lo lắng. Sau khoảng 5 phút thăm dò, võ sĩ người Pháp ra đòn tấn công rất mạnh hòng hạ gục ông Sơn. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, ông Sơn né tránh hết các đòn đánh của đối phương. Khi trận đấu được hơn 20 phút thì ông Sơn bất ngờ tung đòn hiểm từ tuyệt kỹ quyền ba chân hổ, khiến Esperpaire dính đòn, đổ gục trên sàn đấu.
Theo Võ sư Trần Can (ngụ xã Phước An, huyện Tuy Phước), học trò của võ sư Hà Trọng Sơn, năm 1950, tại hội chợ ở Đà Nẵng, võ sư Hà Trọng Sơn thách đấu với võ sư Huỳnh Tiền, người được mệnh danh "đệ nhất anh hùng miền Đông" hay còn gọi là "cáo già miền Nam". Trận này, ông Sơn đã hạ đo ván võ sư Huỳnh Tiền. Từ đó, Hà Trọng Sơn được báo chí ca ngợi và mệnh danh là "hùm xám miền Trung".
Võ sư Hà Trọng Ngự biểu diễn bài quyền ba chân hổ
Trước khi qua đời, võ sư Hà Trọng Sơn đã truyền lại tuyệt kỹ quyền ba chân hổ cho cháu ruột của mình là võ sư Hà Trọng Ngự (76 tuổi; quê Bình Định; ngụ TP HCM). Theo ông Ngự, năm 6 tuổi, ông đã bắt đầu được ông Sơn truyền thụ võ nghiệp. Sau 10 năm dùi mài quyền cước, chàng thanh niên 16 tuổi đã đại diện cho môn phái thi đấu võ đài ở giải trẻ võ tự do Nam Trung bộ.
Chàng trai trẻ đã làm nên thành tích vẻ vang cho môn phái với 10 trận thắng, 2 trận hòa và đoạt chức vô địch trẻ hạng cân 54 kg. Điều đó đã đánh dấu cho sự phát triển võ học lẫy lừng về sau của võ sư Hà Trọng Ngự.
Khi bước vào tuổi 25, Hà Trọng Ngự đứng ra mở võ đường dạy võ Tây Sơn – Bình Định tại quê nhà, thu hút nhiều người đam mê võ thuật đến tập luyện. Mong muốn bí kíp môn phái được phát triển xa hơn, sau đó ông đã rời quê hương để vào miền Nam tạo lập nhiều võ đường ở khắp TP Biên Hòa và TP HCM. Sau đó, ông Ngự được mọi người xem như "hùm xám miền Nam" vì có công lao gìn giữ và phát triển bí kíp võ phái ra toàn thị trường võ thuật miền Nam sôi động.
Không những thế, những võ sư thành tài mà ông Ngự truyền dạy đã mở nhiều võ đường ở phương trời Tây. Đến nay, phái võ do võ sư Hà Trọng Ngự làm chưởng môn đã mở hàng chục võ đường ở Việt Nam và Pháp, Mỹ, Na Uy, thu hút hàng ngàn môn sinh trong và ngoài nước theo học.
Võ sư Hà Trọng Ngự cho biết để luyện được quyền ba chân hổ, người học phải tiếp xúc với võ thuật từ rất nhỏ để có được một nền tảng võ học vững chắc. Phương pháp tập luyện trong tuyệt kỹ này cũng vô cùng phức tạp, yêu cầu sự kiên trì, chịu khó cao độ.
Ngoài ra, muốn nắm được quyền ba chân hổ, võ sinh phải luyện thành 5 pháp khác nhau bao gồm: thân pháp, tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, nhãn pháp. Và một trong những pháp khó luyện nhất là thủ pháp.
Theo đó, để có được bàn tay cứng như sắt thép, uy lực như vuốt mãnh hổ, các võ sinh phải dùng tay không xúc vào đá 1x2 mm liên tục cho đến khi bàn tay xơ tước, rướm máu rồi mới ngâm tay vào thuốc võ bí truyền.
Ngoài ra, để có được hổ trảo uy lực, người luyện còn phải dùng năm đầu ngón tay bấu, chụp vào các vật cứng từ nhẹ đến mạnh để luyện lực kéo, xé, bóp… Hoặc để có thân pháp như một chúa sơn lâm, võ sinh phải tập nhảy khỏi hố sâu với đôi chân trần mang chì từ nhẹ đến nặng, cho đến khi mang được 2 chân 20 kg nhảy ra khỏi hố sâu 1m rộng 1m.
Bình luận (0)