xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những mùa xuân bên mẹ

PHẠM XUÂN VINH

Ngày đó, những buổi sớm cuối năm, cánh đồng Bàu Cát sau nhà phủ mờ sương muối.

Trời trở lạnh, trên cánh đồng bắt đầu nở lấm tấm những sắc vàng bông vạn thọ thì đấy là lúc Tết đã về lấp ló ở đầu ngõ xóm.

Đầu tháng chạp, mọi nhà trong xóm đã xôn xao chuyện Tết nhất, đi đến đâu cũng nghe người ta hỏi thăm nhau đã mua sắm, chuẩn bị được gì cho ngày Tết chưa. Năm nào cũng vậy, dù nhà vẫn còn lương thực đủ dùng nhưng giáp Tết, mẹ vẫn đi mua gạo đổ đầy lu khạp, mua mắm muối về châm đầy hũ để mong ước sang năm nhà đủ đầy.

Tối 30 Tết, mẹ lấy nước đổ đầy các lu, vại và dặn anh em tôi ba ngày Tết không được múc nước giếng lên, để giếng được nghỉ ngơi. Đối với mẹ, Tết là dịp quan trọng nhất, phải kiêng cữ cẩn thận, tránh những điều không hay để sang năm cả nhà được may mắn, bình an, sung túc. Mẹ bảo: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành".

chuc tet.jpg

Minh họa AI: VFA

Ba ngày Tết, mẹ dặn mọi người không ai được quét nhà, hốt rác đổ đi. Hồi đó, tôi cũng chẳng biết tại sao lại làm như vậy. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, theo quan niệm của người xưa, ngày Tết quét nhà, hốt rác đổ đi thì thần tài sẽ đi theo mất. Mẹ mất đã mấy chục năm rồi, nhưng từ đó đến nay, ba ngày Tết tôi cũng chẳng bao giờ quét nhà, không phải vì kiêng cữ hay mê tín gì cả, mà chỉ để tìm chút cảm giác Tết xưa, tưởng như vẫn còn có mẹ trong nhà!

Đã thành thông lệ, gần Tết, mẹ lại nhờ bác Phấn (anh mẹ) hễ qua giao thừa là sang xông nhà, xông đất cho nhà tôi. Mẹ bảo người cẩn thận, chỉn chu, đàng hoàng như bác xông nhà thì cả năm mọi việc sẽ suôn sẻ, hanh thông.

Nói là ăn Tết nhưng với chúng tôi chỉ ham vui là chính, chẳng ai quan tâm đến việc ăn uống. Thức ăn ngày Tết thì năm nào cũng vậy, mẹ tôi nấu vài ba món truyền thống: gà kho gừng, thịt đông, canh miến nấu măng khô, thịt kho hột vịt, thêm món su hào xào (hoặc nấu) với thịt ba chỉ… Anh em tôi chạy chơi hết nhà này đến nhà nọ, khi nào đói lắm thì chạy về nhà làm miếng bánh chưng ăn với thịt kho hột vịt hoặc lục nồi cơm nguội mẹ tôi nấu để sẵn trên bếp, ăn vội vàng rồi lại chạy đi chơi tiếp, chẳng mấy khi có mặt ở nhà.

Đám trẻ con chúng tôi sau khi trong túi rủng rẻng tiền lì xì là rủ nhau đi xem phim ở rạp Đại Lợi trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai). Còn buổi tối Tết năm nào cũng có gánh hát bội về diễn. Người ta bán vé trước lúc diễn, còn diễn được một lúc thì họ "xả dàn" ai vào xem cũng được. Đoạn nào nghệ sĩ diễn xuất mùi mẫn, cảm động, khán giả lại ném tiền lên sân khấu tặng thưởng. Những đồng bạc cắc rơi rào rào trên sân khấu nghèo vẫn còn đọng lại trong ký ức tôi đến tận bây giờ, như mới hôm qua…

Thời gian nghiệt ngã chạy qua phận người. Mẹ tôi mất đã lâu. Mấy người bạn cùng xóm với bố tôi giờ chẳng còn ai, chỉ còn mỗi bố tôi, cũng đã ở quãng cuối đường đời, lúc nhớ nhớ, quên quên.

Những mùa Tết xưa đã trôi xa biền biệt. Hương Tết xưa chỉ còn trong tâm tưởng. Trong căn nhà nhỏ, thoang thoảng khói hương trầm, ngồi nhìn mùa xuân chầm chậm trôi qua cửa, lòng chợt bồi hồi.

Dường như Tết xưa vẫn còn lẩn khuất đâu đây!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo