Theo Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), qua rà soát sơ bộ, cả nước có khoảng 223.000 gia đình đang ở trong nhà tạm, nhà dột nát, không bảo đảm an toàn hoặc chưa có nhà ở cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở để "an cư, lạc nghiệp".
Mang hạnh phúc đến với mọi nhà
Cách đây hơn một năm, vào ngày 13-4-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đã phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong cả nước. Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân và doanh nghiệp trong cả nước phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.
Tối 5-10-2024, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi".

Một căn nhà trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát được trao tặng cho người dân ở Cà Mau. Ảnh: VÂN DU
Tại chương trình này, ông Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho biết ông đã có dịp đi khắp các vùng miền của cả nước, chứng kiến rất nhiều hộ nghèo khi được nhận những căn nhà của các chương trình mục tiêu quốc gia, MTTQ Việt Nam, doanh nghiệp, nhà hảo tâm,… trao tặng, đã nghẹn ngào, không nói nên lời.
Nhưng thực tế, niềm hạnh phúc có căn nhà mới vẫn chưa đến được với hàng trăm nghìn gia đình. Nhiều hộ dân không có một nơi tử tế dù nhỏ để đặt bát hương thờ cúng tổ tiên. Nhiều cụ già, em nhỏ phải ở những căn nhà dột nát. "Ngày mưa thì dột tứ bề, ngày rét thì gió lùa bốn bên. Họ đều khát khao có được một ngôi nhà nhỏ "kín trên, bền dưới" để gia đình trú ngụ, để cụ già, em nhỏ đỡ khổ. Niềm mong ước tưởng chừng rất đơn giản ấy nhưng nếu không có sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, của cộng đồng và xã hội thì với nhiều người mãi vẫn chỉ là ước mơ" - ông Đỗ Văn Chiến trăn trở.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi các tập thể, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang sinh sống và làm ăn ở Việt Nam, cộng đồng và xã hội san sẻ yêu thương, ủng hộ kinh phí, vật liệu, công sức… để giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo; cùng với các nguồn lực của nhà nước để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo trong năm 2025.
Đạt 60% mục tiêu
Vừa qua, tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ ba của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngày 31-10-2025 là mốc mà các địa phương trên cả nước phải cơ bản hoàn thành xóa 223.164 nhà tạm, nhà dột nát. "Dứt khoát không để người dân nào phải ở trong nhà tạm, nhà dột nát, đây là mệnh lệnh của trái tim, lương tri, trách nhiệm với cộng đồng, qua đó thực hiện tốt công cuộc "đền ơn, đáp nghĩa" - Thủ tướng chỉ đạo.
Nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, Thủ tướng yêu cầu nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; phân công theo tinh thần 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm). Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của"; huy động sức người, sức của tại địa phương, sự giúp đỡ của người dân, họ hàng, làng xóm, các tổ chức đoàn thể để quyết tâm đạt mục tiêu đã đề ra trong xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, người dân có quyền có nhà ở và quyền này đối với người dân rất quan trọng. Bởi vì có an cư mới lạc nghiệp, có nhà có cửa mới có cơ hội thoát nghèo. Do đó, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương nhân văn và có ý nghĩa cao cả.
"Tại hội nghị tổng kết năm 2024, thấy khả năng đạt được cao hơn, sớm hơn, chúng tôi quyết định phấn đấu làm sao cả nước vào ngày 30-10, dịp Đại hội Đảng bộ các tỉnh sẽ hoàn thành căn bản việc này. Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt 60% và có 7 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% nhiệm vụ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Có gì góp nấy, cả nước chung tay
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về việc cho phép sử dụng từ nguồn tiết kiệm 5% kinh phí chi thường xuyên năm 2024 để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phân bổ hơn 4.557 tỉ đồng để các địa phương triển khai chương trình này trên địa bàn.
Bên cạnh nguồn tiền từ ngân sách, thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã vận động được hàng ngàn tỉ đồng đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm,… để có nguồn kinh phí dồi dào xây sửa nhà cửa cho người dân.
Qua khảo sát, nguồn kinh phí cấp cho mỗi hộ gia đình xây, sửa nhà trung bình 60-80 triệu đồng. Thực tế, rất nhiều hộ nghèo không có vốn đối ứng để xây, sửa nhà. Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhiều địa phương đã linh hoạt huy động thêm nguồn vốn tại chỗ từ gia đình, họ hàng, hàng xóm. Các phong trào thi đua tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng được phát động rộng khắp trong các lực lượng quân đội, công an, Đoàn thanh niên,…
Đơn cử, trong tháng 3-2025, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tỉnh Quảng Bình triển khai phong trào thi đua "Đoàn viên, thanh niên đóng góp 20.000 ngày công xóa nhà tạm, nhà dột nát". Cũng trong tháng 3 - tháng thanh niên, các cấp bộ Đoàn tỉnh Hậu Giang đã thành lập 73 đội hình "Thanh niên tình nguyện xóa nhà tạm, nhà dột nát" với trên 1.060 đoàn viên, hội viên, thanh niên, đóng góp trên 1.200 ngày công tham gia thi công, sửa chữa nhà.
Ở Cà Mau, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đã kêu gọi, vận động đảng viên đang công tác trong toàn Ðảng bộ tỉnh ủng hộ 1 ngày lương. Riêng đảng viên hưu trí, đảng viên không hưởng lương tùy theo điều kiện ủng hộ với quan điểm "có gì góp nấy" để hướng tới mục tiêu xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trước tháng 6-2025.
Ngày 8-4 vừa qua, Bộ Công an trao kinh phí 131 tỉ đồng do cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng đóng góp, ủng hộ để tỉnh Cao Bằng triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Trước đó, nhằm hỗ trợ Tuyên Quang thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ Quốc phòng quyết định hỗ trợ tỉnh này xây dựng 500 căn nhà với mức 60 triệu đồng/căn.
Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến ngày 4-4, cả nước đã hỗ trợ xóa được 189.243 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó khánh thành 92.291 căn và khởi công mới 96.952 căn. Như vậy, tính từ ngày 29-3 đến 4-4, cả nước tăng khoảng 21.000 căn (hoàn thành và xây mới); bình quân mỗi địa phương hỗ trợ 48 căn/ngày.
Đã có 7 tỉnh, thành hoàn thành 100% xóa nhà tạm, nhà dột nát gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh. Hiện rất nhiều địa phương đặt quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà đột nát trước tháng 6-2025 (sớm hơn 4 tháng so với chỉ đạo của Thủ tướng). Một số địa phương như Cần Thơ, Bình Phước, Bình Dương, Trà Vinh... đặt mục tiêu xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trước ngày 30-4.
An sinh phải đi trước tốc độ phát triển kinh tế
Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trên cả nước vào cuối năm 2025, với nhiều giải pháp hay, Hải Phòng đã cán đích, trở thành một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước.
Theo ông Đào Trọng Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hải Phòng, những kết quả quan trọng trong việc xóa nhà tạm, dột nát có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy trong việc đề ra chủ trương "Đầu tư cho an sinh xã hội phải đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế"; HĐND thành phố ban hành nhiều nghị quyết; UBND các cấp quyết liệt thực hiện.
"Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội với cách làm sáng tạo, đột phá, phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị là những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo đảm chương trình được triển khai đồng bộ và hiệu quả" - ông Đức nhìn nhận.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-4
Bình luận (0)