Ở tuổi 80, với vai trò là Chủ tịch Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, vẫn miệt mài theo đuổi hành trình "lên rừng xuống biển". Qua đó, mang yêu thương đến với đồng bào và chiến sĩ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Góp phần vào sự bình yên của đất nước
Hoạt động cách mạng rồi bị địch bắt, tháng 3-1975, bà Trương Mỹ Hoa được trả tự do sau 11 năm tù đày. Ngay khi trở về, bà liên lạc với tổ chức và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến ngày toàn thắng.
Sau đó, bà Trương Mỹ Hoa lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại TP HCM và Trung ương. Từ thời điểm nghỉ hưu năm 2008, bà dành thời gian, tâm huyết của mình cho Quỹ Học bổng Vừ A Dính (thành lập năm 1999) và Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu (thành lập năm 2014).

Bà Trương Mỹ Hoa bên các học sinh vùng biển, đảo. Ảnh do nhân vật cung cấp
Vượt lên những giới hạn của sức khỏe và tuổi tác, bà bền bỉ với sự nghiệp "cõng chữ lên non", "chở chữ ra biển", ngày đêm "kết nối tình yêu giữa bờ và biển".
Hàng trăm ngàn suất học bổng, sổ tiết kiệm, quà tặng cùng nhiều công trình dân sinh như trường học, cầu cống, đường sá... được bà Trương Mỹ Hoa cùng Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu thực hiện trong hơn 25 năm qua.
Các hoạt động của bà Trương Mỹ Hoa mang ý nghĩa đồng hành với cả nước thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt, làm cho miền núi ngày càng tiến kịp miền xuôi.
Chia sẻ với phóng viên, nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết điều lớn nhất, quý giá nhất mà bà và tổ chức của mình đã làm được đó chính là xây đắp hậu phương, tạo thế trận lòng dân vững chắc, chăm lo cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển Việt Nam. Từ đó, góp phần không nhỏ vào sự bình yên của đất nước.
Một trái tim nhiệt huyết
Dù ở vị trí lãnh đạo hay khi nghỉ hưu, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, luôn sát cánh cùng TP HCM. Nhiều người cảm nhận ở bà một trái tim đầy nhiệt huyết, một tư duy nhạy bén, sâu sắc, một phong cách sống giản dị, chân thành.
Từ thời còn làm công tác thanh niên, bà Phạm Phương Thảo thúc đẩy nhiều phong trào thiết thực như "Kế hoạch nhỏ", "Ánh sáng văn hóa", tổ chức trại hè, ngày hội thiếu nhi... giúp trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, có cơ hội học tập, vui chơi và phát triển toàn diện.

Bà Phạm Phương Thảo kể chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động. Ảnh: PHAN ANH
Với tư duy đổi mới và tinh thần cầu thị, bà thường đề xuất những giải pháp tốt trong giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao, mở rộng phúc lợi xã hội. Từ chương trình xóa cầu khỉ đến vận động doanh nghiệp trẻ, xây dựng thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa... mỗi hành động của bà đều thấm đẫm tinh thần "vì dân".
Bà Phạm Phương Thảo còn là cây bút chính luận sắc sảo với thành quả là hàng chục cuốn sách được xuất bản, nhiều chương trình truyền cảm hứng đọc sách được tổ chức. Bà tin tưởng TP HCM có thể trở thành trung tâm sách không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực.
Đặc biệt, trong vai trò Chủ tịch HĐND TP HCM, bà Phạm Phương Thảo để lại dấu ấn đậm nét với chương trình "Nói và làm" - diễn đàn chính luận đầu tiên được truyền hình trực tiếp định kỳ hằng tháng từ năm 2006 đến năm 2011.
Qua từng buổi phát sóng, mọi vấn đề dân sinh nóng bỏng như ngập nước, kẹt xe, an sinh xã hội... được mổ xẻ công khai, thẳng thắn. Cũng từ diễn đàn đối thoại công khai giữa chính quyền và người dân ấy, sự đồng thuận xã hội được vun bồi, niềm tin giữa người dân và chính quyền được khơi thông.
Đến nay, bà Phạm Phương Thảo vẫn không ngừng đóng góp ý kiến cho nhiều chính sách của TP HCM. Với bà, sự phát triển của thành phố không chỉ nằm ở những con số mà ở từng đổi thay nhỏ nhất trong đời sống người dân.
Người của đổi mới, sáng tạo
Gắn bó với Vinamilk gần 50 năm, với 33 năm làm tổng giám đốc (từ 1992), bà Mai Kiều Liên đã dẫn dắt doanh nghiệp (DN) vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, vững bước chuyển mình để trở thành thương hiệu đáng nể trên bản đồ ngành sữa thế giới.
Vinamilk ra đời năm 1976. 10 năm sau, khi đất nước mở cửa hội nhập, công ty phải đối mặt với hàng loạt thách thức khắc nghiệt trong bối cảnh năng lực sản xuất hạn chế, đặc biệt là làn sóng sữa ngoại ồ ạt vào thị trường nội địa với giá cạnh tranh.
Khoảng năm 1990, nhận thấy nguyên liệu sữa là yếu tố then chốt để đưa Vinamilk phát triển, bà Liên và lãnh đạo công ty tiên phong thực hiện "cuộc cách mạng trắng", với mục tiêu xây dựng được đàn bò sữa và vùng nguyên liệu sữa trong nước.

Theo bà Mai Kiều Liên, thành công của doanh nghiệp còn nằm ở giá trị mang đến cho cộng đồng, đất nước. Nguồn: VINAMILK
Không chỉ vậy, tầm nhìn của vị lãnh đạo nữ là làm sao để sữa nguyên liệu trong nước đạt chuẩn quốc tế và giá thành sản xuất tiệm cận với thế giới.
Năm 1997, Vinamilk xuất khẩu lô sữa bột đầu tiên mang tên Dielac qua thị trường Iraq thông qua hình thức "đổi dầu lấy thực phẩm".
"Tại thời điểm đó, không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu sữa. Tuy nhiên, công ty làm được bởi chất lượng sữa thực chất không thua kém gì các nước bạn, chỉ là chưa tìm được đường vào thị trường họ mà thôi" - bà Liên nhớ lại.
Thực tế đã chứng minh tầm nhìn chiến lược cùng sự quyết đoán của bà Liên giúp công ty khẳng định vị thế hàng Việt Nam chất lượng cao trên thị trường quốc tế. Đến nay, các sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu đến 63 thị trường quốc tế, với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế vượt 3,4 tỉ USD.
Nhiều năm liền được vinh danh là Thương hiệu Vàng của TP HCM, Vinamilk cũng được ghi nhận tích cực tham gia các chương trình cộng đồng, an sinh, xã hội, phát triển bền vững tại thành phố. Trong đó có quá trình đồng hành hỗ trợ chương trình mổ tim của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP HCM trong thời gian dài.
Hạnh phúc lớn
Trong hơn 1 giờ trò chuyện với phóng viên Báo Người Lao Động, điều khiến bà Trương Mỹ Hoa vui và tự hào nhất là khi nhắc đến những học sinh, sinh viên đang được bà cùng Quỹ Học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" chăm lo.
Bà Trương Mỹ Hoa kể các cháu có thành tích học tập rất tốt. Nhiều cháu là đại biểu đi dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc, là đại biểu thanh thiếu nhi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, tham gia phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" cùng nhiều diễn đàn lớn của Trung ương...
"Đối với những người thực hiện công tác chăm lo thì không có gì hạnh phúc hơn khi được nhìn thấy các cháu luôn nỗ lực vươn lên, học tốt" - nguyên Phó Chủ tịch nước xúc động nói.
Mang tới nhiều giá trị
Một trong nhiều thời điểm có tính cột mốc với Vinamilk là vào năm 2003. Nhận thấy cổ phần hóa là xu hướng toàn cầu, bà Mai Kiều Liên quyết tâm thuyết phục lãnh đạo công ty, cơ quan nhà nước cổ phần hóa Vinamilk dù khi đó công ty đang làm ăn vô cùng tốt.
Thực tế đã chứng minh, sau hơn 20 năm cổ phần hóa, doanh thu của Vinamilk tăng hơn 15 lần. Thời điểm bắt đầu cổ phần hóa, vốn điều lệ là 1.590 tỉ đồng, đến cuối năm 2024, giá trị vốn hóa trên thị trường của công ty là 132.503 tỉ đồng.
Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên xác định rằng thành công của một DN không chỉ nằm ở các con số kinh doanh mà còn ở giá trị mang đến cho cộng đồng, đất nước, cán bộ nhân viên, người lao động cũng như các đối tác, khách hàng... Vì thế, Vinamilk luôn tiên phong xây dựng các mô hình nhà máy và trang trại hiện đại, xanh, đạt trung hòa carbon, đặt ra các cam kết về phát triển bền vững mạnh mẽ.
Hiện nay, Vinamilk vẫn giữ vững vị trí số 1 ngành sữa Việt Nam, thuộc top 40 DN sữa lớn nhất thế giới, giá trị thương hiệu đứng thứ 6 toàn cầu.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-4
Bình luận (0)