Trong cuộc thử nghiệm kéo dài 2 ngày kể trên, 27.000 người đã qua lại 6 cửa xoay - một phần rất nhỏ của hơn 1,5 tỉ hành khách sử dụng hệ thống tàu điện ngầm Paris hằng năm. Lượng năng lượng tạo ra cũng rất khiêm tốn - được dùng để thắp sáng các bảng hiệu tại chính ga Miromesnil - song nếu được ứng dụng trên toàn mạng lưới tàu điện ngầm của Paris, những tua-bin này có thể tạo ra 136 MW/năm và giảm được 30.000 tấn CO2. Đó là ước tính của Iberdrola, tập đoàn điện lực Tây Ban Nha chịu trách nhiệm về thử nghiệm.
Theo hãng tin Bloomberg, thử nghiệm như trên sẽ khó thành hiện thực bởi đòi hỏi kinh phí đắt đỏ nhưng việc này cho thấy sự sôi nổi và sáng tạo của hàng loạt ý tưởng chống biến đổi khí hậu đang được thử nghiệm khắp Paris, với mục đích thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và sử dụng các nguồn năng lượng hiện có hiệu quả hơn. Có thể kể ra một số ý tưởng như dùng nước sông Seine tạo thành một "mạng lưới làm mát" để làm dịu "đảo nhiệt đô thị"; đào thêm con sông mới trong công viên Bois de Vincennes (bằng nguồn nước hồ và sông trong khu vực); khơi lại sông Bievre vốn đã bị lấp vào nửa đầu thế kỷ XX…

Trong 2 ngày thử nghiệm, 27.000 người đã qua lại 6 cửa xoay ở nhà ga điện ngầm Miromesnil Ảnh: BLOOMBERG
Paris là một trong số ít thành phố trên thế giới tính toán lượng phát thải carbon trên diện tích của mình, bao gồm phát thải từ hàng không và thực phẩm mà người dân tiêu thụ. Thành phố đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050, với các biện pháp như cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo cho tất cả cơ sở công cộng vào năm 2040, loại bỏ mọi động cơ đốt trong trên các phương tiện giao thông công cộng, kể cả xe tải chở rác và xe cứu thương, vào năm 2030.
Với thực tế kẹt xe thải ra tới 13% lượng CO2 ở Paris, chính quyền thành phố đang mở thêm nhiều làn đường cho xe đạp, xe buýt, xe đi chung… cũng như "bộ hành hóa" những quảng trường lớn như Trocadero, Iena và Concorde. Sau Olympic vào mùa hè này, Paris có kế hoạch áp dụng một khu vực hạn chế giao thông ở trung tâm thành phố.
Một bài toán then chốt khác là tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là thông qua cách nhiệt các tòa nhà. Thành phố đã đặt mục tiêu cải tạo toàn bộ các tòa nhà hiện hữu theo hướng "tiêu thụ ít năng lượng" vào năm 2050. Riêng nhà ở, mục tiêu là lượng phát thải của năm 2030 giảm khoảng 43% so với mức của năm 2004.
Để thủ đô nước Pháp trở thành thành phố sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050, hàng loạt nguồn năng lượng đã được lên kế hoạch, từ quang năng, nhiệt mặt trời, địa nhiệt cho tới tái sử dụng nguồn nhiệt và thủy nhiệt bị lãng phí.
Bình luận (0)