Từ ngày 1-7, Luật Căn cước đã chính thức có hiệu lực thi hành, nhiều bạn đọc thắc mắc, những đối tượng nào sẽ bị khóa căn cước điện tử từ ngày này và trường hợp nào thì căn cước điện tử được mở khóa trở lại?
Bộ Công an cho biết căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Luật Căn cước quy định căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp như sau:
Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;
Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;
Khi người được cấp căn cước điện tử chết;
Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 34 Luật Căn cước quy định căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:
Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa;
Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;
Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được trả lại thẻ căn cước;
Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa.
Đồng thời, khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.
Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!