Năm 2019, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành nghị quyết về quy định mức thu nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tạm thời lòng đường (vỉa hè) trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục các tuyến đường được phép thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tại TP Vũng Tàu. Theo đó, TP Vũng Tàu có 23 tuyến đường được phép thu phí đậu xe ở lòng đường và 110 tuyến đường được phép thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè.
Ngăn nắp hơn
Cụ thể, áp dụng việc thu phí đậu xe 23 tuyến đường có chiều rộng từ 12 m trở lên và có vỉa hè rộng trên 4 m với mức thu là 15.000 đồng/lượt đối với ô tô dưới 16 chỗ và xe tải dưới 2,5 tấn; 20.000 đồng/lượt đối với ô tô trên 16 đến 25 chỗ và xe tải trên 2,5 đến 3,5 tấn. Riêng xe khách trên 25 chỗ và xe tải trên 3,5 tấn không được phép đậu ở lòng đường, chỉ được dừng trả khách, hàng hóa và di chuyển vào các bãi đậu xe.
Đối với mức phí sử dụng hè phố để trông giữ xe đạp, xe máy; phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ; hoạt động văn hóa, xã hội có tính chất thương mại; lắp đặt bảng, biển, panô, băng-rôn quảng cáo trên lòng đường, hè phố cũng khác nhau tùy thuộc từng tuyến đường, thấp nhất là 11.000 đồng/tháng/m2 và cao nhất là 33.000 đồng/tháng/m2.
Chị Trần Thị Khánh (phường 7, TP Vũng Tàu) cho biết: "Từ khi địa phương triển khai thu phí đậu xe, mỗi lần mình đậu xe đều trả tiền rồi nên không lo sợ bị lực lượng chức năng kiểm tra hay bị chủ nhà xua đuổi như trước đây".
Theo UBND TP Vũng Tàu, từ khi áp dụng việc thu phí thì tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh ở nhiều tuyến đường đã giảm đáng kể; vỉa hè gọn gàng, ngăn nắp hơn hẳn. Người dân sinh sống, mua bán cũng chủ động xếp xe ngay ngắn trong vạch giới hạn màu vàng, chừa lối cho người đi bộ. Đối với những tuyến đường chưa thực hiện thu phí, việc quản lý trật tự đô thị được các phường, xã thực hiện thường xuyên nhưng chỉ bảo đảm khi có lực lượng chức năng, còn lúc lực lượng này rời đi thì việc vi phạm lại tái diễn.
Nguyên nhân khiến việc buôn bán tự phát tái diễn là do sự thuận tiện của hình thức mua bán và nhu cầu của người dân, không những vậy, việc buôn bán ở vỉa hè còn là sinh kế của người dân. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp như xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự đô thị, TP Vũng Tàu cần phải nghiên cứu giải pháp hiệu quả hơn để xử lý, ổn định lâu dài như quy hoạch đầu tư chợ phù hợp nhu cầu, nghiên cứu kinh doanh trên vỉa hè theo giờ, khu vực. Một số phường đề xuất các phương án sử dụng vỉa hè như mô hình "tuyến phố kinh tế vỉa hè" của phường Nguyễn An Ninh…
Công khai, minh bạch
Số liệu thống kê cho thấy từ khi áp dụng thu phí vỉa hè (năm 2021) và thu phí lòng đường (năm 2023) đến nay, TP Vũng Tàu thu về gần 12 tỉ đồng. Toàn bộ phí thu đều được để lại cho các phường, xã chi cho những hoạt động bảo đảm trật tự đô thị trên địa bàn và bao gồm cả công tác thu phí.
Tuy nhiên, thời gian đầu, việc thu phí áp dụng bằng hình thức xé vé giấy nên gặp phải sự phản ứng của người dân vì cho rằng chưa minh bạch. Do đó, UBND TP Vũng Tàu đã thực hiện thu tiền bằng máy quẹt thẻ (POS), đồng thời nhân viên thu phí mặc đồng phục để dễ nhận diện nên được người dân ủng hộ vì minh bạch, rõ ràng.
Trong các nơi thực hiện thu phí thì phường 7, TP Vũng Tàu là một trong những địa phương đang thực hiện hiệu quả nhất, trong đó phường đã áp dụng thu tiền bằng máy quẹt thẻ kể từ tháng 3-2024, sau đó hình thức thu phí bằng POS được mở rộng ra đối với toàn bộ phường trên địa bàn thành phố. UBND phường 7 cho hay việc thu phí vỉa hè, lòng đường số hóa bằng máy POS là để giúp nhân viên thu phí và người dân tiết kiệm thời gian cũng như dễ dàng quản lý, theo dõi và giảm chi phí so với biên lai giấy. Đồng thời, hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế rủi ro, mất hoặc rách biên lai, tính bảo mật cao, bảo đảm tính xác thực.
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, cho rằng việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết phê duyệt mức thu, chi phí và UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách các tuyến đường được thu phí là cơ sở pháp lý quan trọng, chi tiết, từ đó địa phương đã triển khai vô cùng thuận lợi và nâng cao ý thức chấp hành cho người dân, du khách, hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số ít người dân chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đóng phí, đặc biệt là phí đậu xe ở lòng đường. "Dù đã dùng máy POS tính phí nhưng vẫn phải có người đến tận nơi để thực hiện nên vẫn chưa áp dụng hoàn toàn công nghệ trong việc thu phí. Ngoài ra, thủ tục cấp giấy tạm sử dụng vỉa hè chưa được phân cấp cho UBND phường nên chưa rút ngắn được các thủ tục hành chính như mong muốn" - ông Thuấn nói.
Kiến nghị phân cấp quyết định việc sử dụng tạm thời hè phố
Theo lãnh đạo TP Vũng Tàu, mặc dù nghị quyết và các quyết định thu phí đã có từ lâu nhưng thời gian qua địa phương mới chỉ triển khai việc thu phí đậu xe lòng đường và cấp phép sử dụng tạm vỉa hè để đậu xe máy chứ chưa cho tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa. Nguyên nhân là do một số quy định của tỉnh trước đó chỉ quy định cấp phép đậu xe máy, chưa quy định cấp phép kinh doanh trên vỉa hè. Ngoài ra, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024, thẩm quyền chấp thuận sử dụng tạm thời hè phố vào mục đích khác (làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa) thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.
Tháng 12-2024, UBND TP Vũng Tàu đã có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị chấp thuận giao cho thành phố được quyết định việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, trên cơ sở hè phố phải bảo đảm có bề rộng từ 3 m trở lên; hè phố còn lại dành cho người đi bộ bảo đảm rộng tối thiểu 1,5 m. Quá trình thực hiện cần thí điểm tại một số tuyến đường để đánh giá hiệu quả sau đó mới quyết định nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Bình luận (0)