Ông NGUYỄN THÀNH NAM, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Ứng dụng công nghệ để xử lý vi phạm

Trong những tháng cuối năm 2025, cục sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện quyết liệt. Đồng thời, xây dựng và triển khai các chuyên đề kiểm tra, xử lý triệt để hành vi bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chia sẻ dữ liệu để quản lý, phòng ngừa và xử lý sớm các vi phạm của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh.
Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM: Chặn đường tiếp cận

Trước đây, hàng giả thường xuất hiện ở các cửa hàng nhỏ trong chợ, nay đã len lỏi lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), nơi giao dịch ẩn danh, khó truy dấu địa chỉ người bán cũng như kho hàng. Đối tượng làm hàng giả, hàng kém chất lượng còn lợi dụng kẽ hở pháp luật, chia nhỏ lô hàng để né tránh trách nhiệm và che giấu danh tính. Bên cạnh đó, việc sử dụng quảng cáo rầm rộ, thậm chí thuê người nổi tiếng quảng bá, giúp hàng giả tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng.
Dù vậy, không thể chỉ yêu cầu người tiêu dùng phải tỉnh táo trước hàng giả, vì chính họ không bao giờ thỏa hiệp để mua sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Do đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp đồng bộ của cơ quan chức năng. Các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là gây hại đến sức khỏe cộng đồng, phải bị xử lý nghiêm minh.
Ông TRẦN GIANG KHUÊ, Trưởng đại diện Văn phòng miền Nam, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ: Giữ vững niềm tin cho nhà đầu tư

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp sửa đổi, hoàn thiện Luật Sở hữu trí tuệ và rất mong nhận được các ý kiến đóng góp từ phía DN, hiệp hội, người dân để nâng cao chất lượng luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực tiễn thi hành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý và đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giúp quy trình minh bạch, thuận lợi và nhanh chóng hơn. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định.
Ông NGUYỄN TẤN PHONG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM): Kiểm soát chặt các sàn

Trách nhiệm phòng chống hàng giả trên môi trường số hiện là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Trong đó, các đối tượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh hàng giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tiếp đó, sàn TMĐT và nền tảng mạng xã hội cần xây dựng cơ chế kiểm soát, rà soát, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, khóa tài khoản người bán gian lận, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm hoàn thiện pháp luật, đẩy mạnh phối hợp liên ngành xử lý vi phạm. DN sở hữu thương hiệu cần tự bảo vệ, bằng cách như sử dụng tem chống giả, công nghệ truy xuất nguồn gốc, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng để phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi xâm phạm.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, mua sắm qua các kênh uy tín và mạnh dạn tố giác khi phát hiện hàng giả.
Ông NGUYỄN VIẾT HỒNG, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG: Phát triển kênh bán hàng tin cậy

Hiện nay, cả xã hội đều đang quan tâm đến vấn đề chống hàng giả nhưng điều quan trọng không kém là cần phải thúc đẩy, phát triển những kênh bán hàng đáng tin cậy để người tiêu dùng thực sự an tâm mua sắm.
Ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho các DN làm ăn chân chính. Chúng ta không chỉ dừng lại ở việc triệt phá hàng giả mà còn phải chỉ rõ cho người tiêu dùng biết đâu là nơi bán hàng thật, nơi họ có thể tin tưởng lựa chọn. Để góp phần đẩy lùi hàng giả, người tiêu dùng cần chủ động tẩy chay hàng giả, không tiếp tay cho các sản phẩm vi phạm.
Bà VÕ THỊ BÍCH THỦY, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Saigon Co.op: Kiểm soát nghiêm ngặt từ đầu vào

Ngay từ khi thành lập, Saigon Co.op đã xác định kiểm soát chất lượng là nhiệm vụ then chốt trong toàn hệ thống phân phối bán lẻ. Không chỉ đối với thực phẩm, Saigon Co.op còn kinh doanh nhiều nhóm hàng khác và trực tiếp đánh giá điều kiện sản xuất tại các cơ sở, nhằm bảo đảm nhà sản xuất thực hiện đúng cam kết về hệ thống quản lý chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong quá trình kinh doanh, Saigon Co.op còn thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên ngay tại quầy và sử dụng phòng thí nghiệm lưu động để kiểm soát chất lượng trực tiếp tại điểm bán cũng như nơi sản xuất.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op còn đồng hành với các nhà cung cấp thông qua việc tổ chức tập huấn, cập nhật tiêu chuẩn mới, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan, nhằm hỗ trợ DN tiếp cận và đáp ứng tốt các quy định, tiêu chuẩn, giúp họ làm ăn nghiêm túc và phát triển bền vững.
Ông NGUYỄN QUÁCH NHI, chuyên gia về thương mại điện tử: Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử

Trước vấn nạn hàng giả, các DN cần chủ động xây dựng, phát triển các gian hàng chính hãng trên sàn TMĐT để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm bảo đảm nguồn gốc.
Ngoài ra, sau các đợt truy quét hàng gian, hàng giả sẽ để lại những khoảng trống, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chân chính trong cùng ngành hàng mở rộng hoạt động, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm chất lượng, chính hãng.
Về phía chính sách, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về TMĐT, đặc biệt là các quy định nhằm kiểm soát hoạt động của các sàn TMĐT nước ngoài, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng.
Bà TRẦN THỊ THANH THẢO, Phó Giám đốc Kinh doanh vùng - Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng Long Châu: Chất lượng là ưu tiên hàng đầu

Trước thực trạng thuốc và thực phẩm chức năng bị làm giả ngày càng tinh vi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân cũng như làm xói mòn niềm tin của khách hàng, FPT Long Châu xác định minh bạch xuất xứ và bảo đảm chất lượng là ưu tiên hàng đầu.
Chúng tôi đang áp dụng kiểm tra kép, gồm kiểm tra hồ sơ pháp lý đúng quy định và kiểm định thực tế sản phẩm đầu vào cũng như tại các điểm bán, nhằm kiểm soát chất lượng một cách toàn diện.
Long Châu cũng sẽ cung cấp đầy đủ thông tin xuất xứ trên hóa đơn, đồng thời tích hợp trên website và ứng dụng, để người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra, tra cứu nguồn gốc sản phẩm, an tâm hơn khi lựa chọn.
Cam kết đồng hành mạnh mẽ của Báo Người Lao Động
Nhà báo - TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhấn mạnh Báo Người Lao Động đã và sẽ tiếp tục đi đầu trong công tác tuyên truyền chống hàng gian, hàng giả; đồng thời luôn đứng bên cạnh các DN làm ăn chân chính để bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo nhà báo - TS Tô Đình Tuân, cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả là một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, DN cũng như người tiêu dùng, nhằm từng bước đẩy lùi vấn nạn này. Trong đó, 10 giải pháp cần thực hiện ngay. Cụ thể, cần tăng cường chế tài pháp luật và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm liên quan hàng gian, hàng giả. Siết chặt kiểm soát biên giới, kiểm tra các kho vận, chợ đầu mối. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và số hóa, như: sử dụng tem chống giả, mã QR và phần mềm truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và các nhà bán lẻ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần triển khai các đội kiểm tra chuyên ngành thường xuyên, bất ngờ để phát hiện và xử lý vi phạm. Ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát các giao dịch TMĐT. Quản lý chặt chẽ hoạt động TMĐT, chịu trách nhiệm gỡ bỏ các sản phẩm giả, yêu cầu đăng ký thông tin người bán đầy đủ và xử phạt các sàn nếu vi phạm.
Đặc biệt, cần hỗ trợ các DN sản xuất sản phẩm chất lượng, bảo vệ thương hiệu… Tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với các nước, đặc biệt là các quốc gia có chung đường biên giới, để phối hợp, ngăn chặn hàng giả; học tập mô hình chống hàng giả của các nước.
Cần khuyến khích người tiêu dùng báo tin về hàng gian, hàng giả thông qua đường dây nóng hoặc app (ứng dụng) báo hàng giả, từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng nói không với hàng giả.
Bình luận (0)