Một thời gian dài, người dân sống trong khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp tại TP HCM gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà cửa, chuyển mục đích sử dụng các loạt đất khác sang đất ở để giải quyết nhu cầu gia đình.
Bài toán dang dở
Từ năm 2018, sau khi khảo sát nhiều quận, huyện, Ban Đô thị HĐND TP HCM tổ chức phiên họp giải trình về việc giải quyết vướng mắc trên.
Khi đó, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn thẳng thắn nhìn nhận những khu vực có nhà ở, cha mẹ xin chuyển mục đích cho con cái 200-300 m2 nhưng cơ quan chức năng nói nơi ấy quy hoạch đất dân cư xây dựng mới nên không giải quyết được.
Lãnh đạo huyện Hóc Môn đề nghị xem xét lại bởi quản lý quy hoạch để ngăn chặn phân lô, bán nền chứ không phải ngăn chặn nhu cầu chính đáng của người dân.
Cũng từ năm 2018, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT), UBND TP HCM đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các quận, huyện rà soát hiện trạng, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tính khả thi, sự cần thiết của quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới để có ý kiến điều chỉnh hợp lý, chặt chẽ. Điều này bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân có nhà, quyền sử dụng đất và hài hòa với mục tiêu phát triển bền vững.
Trong quá trình chờ giải quyết vướng mắc, điều chỉnh quy hoạch, UBND TP HCM đã chỉ đạo một số chính sách tháo gỡ khó khăn trong khu dân cư hiện hữu không phù hợp quy hoạch (trong đó có đất hỗn hợp). Đơn cử, xem xét cấp phép xây dựng có thời hạn đối với nhà/đất ở, sửa chữa nhà ở riêng lẻ.
Định hình đáp số
Mới đây, liên quan nội dung triển khai Luật Đất đai năm 2024, bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ quận Tân Bình, tiếp tục nêu vấn đề tới cơ quan chức năng thành phố về việc giải quyết quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới.
Phản hồi vấn đề trên, ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP HCM, thông tin trong các đồ án quy hoạch phân khu đối với đất ở thì có 3 loại là đất ở hiện hữu, đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp.
TP HCM có hơn 600 đồ án quy hoạch phân khu được duyệt với các thời điểm khác nhau trước và sau khi có Luật Quy hoạch đô thị. Qua thống kê, với trên 600 đồ án quy hoạch phân khu thì có gần 12.200 ha đất dân cư xây dựng mới.
Sở QH-KT cùng Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) và các đơn vị liên quan đã tham mưu UBND TP HCM về việc được phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất dân cư xây dựng mới.
"Sở TN-MT cũng đã tham mưu cho UBND TP HCM văn bản quy định về việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực quy hoạch nhóm nhà ở trong các đồ án quy hoạch đô thị. UBND thành phố sẽ ban hành quyết định trong thời gian sớm nhất" - ông Tuấn cho hay.
Gỡ khó song song với việc xử lý nghiêm
Trên cơ sở xem xét đề xuất từ các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường vừa chỉ đạo nhiều nội dung.
Chỉ đạo này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khi xem xét, giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng từ các loại đất khác sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân tại khu vực quy hoạch nhóm nhà ở trong các đồ án quy hoạch phân khu theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị.
Theo đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024, Nghị định 102/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Quyết định 2124/2024 của Bộ TN-MT, trong đó lưu ý về quy hoạch.
Cụ thể, vị trí khu đất đề nghị chuyển mục đích sử dụng phải phù hợp về quy hoạch (xác định vị trí cụ thể có chức năng quy hoạch là đất ở).
Bên cạnh đó, tiếp giáp đường giao thông trong đồ án quy hoạch được phê duyệt do UBND các quận, huyện và TṔ Thủ Đức quản lý theo quy định (đường hiện hữu đã có sẵn hoặc đường mới hình thành đã được nghiệm thu bàn giao theo quy định). Đồng thời, phải bảo đảm tính thống nhất tại các đồ án quy hoạch liên quan đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, nhằm thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác kiểm soát, quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, kiên quyết với những hành vi lợi dụng chủ trương, quy định của pháp luật để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, tách thửa, xây dựng không đúng quy định để trục lợi, dẫn đến phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, ảnh hưởng đến công tác phát triển đô thị.
"Các địa phương căn cứ những quy định pháp luật về đất đai, nhà ở, quy hoạch, xây dựng và pháp luật khác liên quan để giải quyết hồ sơ chuyển mục đích từ các loại đất khác sang đất ở để xây dựng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân theo đúng quy định" - Văn bản của UBND TP HCM nêu rõ.
Lấy nhu cầu người dân làm căn cứ
Đối với các ô phố có chức năng quy hoạch "đất sử dụng hỗn hợp", trong đó có nhiều chức năng như nhóm nhà ở, thương mại dịch vụ, công trình công cộng, công viên cây xanh... nhưng chưa thể xác định được vị trí cụ thể tại đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000, UBND TP HCM cũng có chỉ đạo xử lý.
Theo đó, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cần rà soát đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 hoặc tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 các ô phố nêu trên để xác định vị trí đất ở cụ thế, làm cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng, tách thửa...
Với diện tích đất chuyển mục đích từ các loại đất khác sang đất ở thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực tế của mỗi hộ gia đình, cá nhân để xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Bình luận (0)