Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 3-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo
Trình bày báo cáo giải trình một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết ngày 2-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có Báo cáo số 678/BC-UBTVQH15 (400 trang) về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật gửi các vị đại biểu.
Về các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm (khoản 2 Điều 121), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định theo hướng kinh doanh bất động sản như cho thuê văn phòng là trường hợp nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất của sản phẩm kinh doanh gắn liền với quyền sử dụng đất và để bảo vệ quyền lợi của bên mua bất động sản thường là bên yếu thế về thông tin trong quan hệ mua bán sản phẩm bất động sản, nếu thuộc trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm thì trường hợp người bán không tiếp tục nộp tiền thuê sẽ gây rủi ro cho người mua.
Chính phủ cũng đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật bổ sung tương ứng tại điểm b khoản 1 Điều 121 về trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần. Cụ thể, nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp sau đây: Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; công trình công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng.
Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa như sau:
Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp.
Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 589/BC-CP.
Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Bình luận (0)