Phát biểu trên truyền hình ngày 16-3, người phát ngôn của chính quyền quân sự Niger, đại tá Amadou Abdramane, cho biết họ đã bãi bỏ ngay lập tức một hiệp định quân sự với Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, hiệp định trên cho phép quân nhân và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ hoạt động tại Niger.
Tuyên bố của chính quyền quân sự Niger được đưa ra chỉ một ngày sau khi phái đoàn cấp cao của Mỹ rời Niger.
Chuyến thăm kéo dài 3 ngày, do Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi Molly Phee dẫn đầu, có sự tham gia của Tướng Michael Langley (chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ phụ trách khu vực châu Phi). Chuyến thăm được cho nhằm nối lại liên lạc với chính quyền quân sự đã lật đổ tổng thống.
Tuy nhiên, ông Abdramane cho biết phái đoàn Mỹ không tuân theo nghi thức ngoại giao. Theo ông Abdramane, Niger không được thông báo về thành phần phái đoàn, ngày đến và chương trình nghị sự của chuyến thăm.
Ông Abdramane nói thêm rằng các cuộc thảo luận giữa chính quyền quân sự Niger và phái đoàn Mỹ xoay quanh vấn đề chính quyền quân sự ở Niger, hợp tác quân sự giữa hai nước và việc Niger lựa chọn đối tác trong cuộc chiến chống lại các tay súng có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hãng Reuters dẫn lời ông Abdramane: "Niger lấy làm tiếc về ý định của phái đoàn Mỹ nhằm từ chối quyền của người dân Niger trong việc lựa chọn đối tác cho cuộc chiến chống khủng bố".
Ông Abdramane nói thêm: "Chính quyền Niger mạnh mẽ tố cáo thái độ trịch thượng, kèm theo lời đe dọa trả đũa từ người đứng đầu phái đoàn Mỹ đối với chính quyền và người dân Niger".
Tính đến năm ngoái, có khoảng 1.100 quân nhân Mỹ ở Niger, nơi quân đội Mỹ hoạt động tại hai căn cứ; trong đó có một căn cứ máy bay không người lái mang tên Căn cứ Không quân 201 được xây dựng ở miền Trung Niger với chi phí hơn 100 triệu USD.
Kể từ năm 2018, căn cứ này đã được sử dụng để nhắm vào các thành viên của IS và Jama’at Nusrat al-Islam wal Muslimeen (JNIM), chi nhánh của al-Qaeda ở khu vực Sahel.
Với ông Abdramane, tình trạng và sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Niger là bất hợp pháp và vi phạm các quy tắc hiến pháp và dân chủ. Theo ông, tình trạng đó được áp đặt một cách đơn phương lên quốc gia châu Phi này vào năm 2012.
Ông Abdramane khẳng định Niger không biết về số lượng nhân viên dân sự và quân sự Mỹ ở nước này, cũng như số lượng thiết bị được triển khai. Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ không có nghĩa vụ phải phản ứng bất kỳ yêu cầu trợ giúp nào chống lại các tay súng.
Ông Abdramane nêu rõ: "Trước tất cả những điều trên, chính phủ Niger sẽ hủy bỏ ngay lập tức thỏa thuận liên quan đến tình trạng của quân nhân Mỹ và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ trên lãnh thổ Cộng hòa Niger".
Bình luận (0)