xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Nở hoa trong lòng địch"

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

Ngày 4-3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975

Theo Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, nói đến chiến dịch này là nhắc tới nghệ thuật nghi binh tài tình, giấu đi hướng tiến công chủ yếu của ta, đánh vào nơi địch sơ hở nhất...

Làm chủ xe tăng hiện đại

Những ngày tháng 4 lịch sử này, Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng đã có chuyến thăm lại chiến trường xưa với bao cảm xúc. Trong Chiến dịch Tây Nguyên 50 năm trước, sáng kiến nâng cơ số đạn pháo theo xe tăng của đại đội trưởng Đại đội 9 kiêm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273 - Quân đoàn 3 Đoàn Sinh Hưởng được đánh giá đã làm tăng sức chiến đấu rất nhiều.

"Nở hoa trong lòng địch" - Ảnh 1.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trao tặng chiếc mũ chuyên dụng khi lái xe tăng cho tỉnh Đắk Lắk tại chương trình “Bản trường ca hòa bình” ngày 6-4

Trò chuyện với phóng viên, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại sau khi được trang bị xe tăng T-54B thế hệ mới, ông cùng đồng đội ngày đêm nghiên cứu, luyện tập để làm chủ phương tiện chiến đấu. Lúc đó, chàng trai 25 tuổi Đoàn Sinh Hưởng có sáng kiến cố định thêm 10 viên đạn pháo, nâng tổng số đạn lên 44 viên/xe tăng để tăng sức chiến đấu.

"Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ cho chúng tôi bằng mọi giá phải thọc thẳng vào lòng địch, từ trong đánh ra. Đây là cách đánh "nở hoa trong lòng địch" táo bạo" - ông nhận xét.

Theo Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, rạng sáng 10-3-1975, đơn vị của ông tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây có không ít lô cốt của địch, buộc lực lượng của ta phải dùng tất cả các loại đạn trên xe tăng bắn vào để hỗ trợ bộ binh. "Thời điểm đó, rất nhiều chiến sĩ bộ binh của ta đã hy sinh, cứ xông lên rồi ngã xuống" - ông bồi hồi.

"Nở hoa trong lòng địch" - Ảnh 2.

Tượng đài Chiến thắng ở TP Buôn Ma Thuột với mô hình chiếc xe tăng 980 do ông Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy

Bất chấp nguy hiểm, xe tăng số hiệu 980 do đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã lao vào giữa làn đạn của địch để hỗ trợ bộ binh. Trong lúc chiến đấu, người làm nhiệm vụ pháo 2 của xe tăng 980 bị trúng đạn vào tay. Trước tình thế này, các chiến sĩ lập tức điều chỉnh vị trí tác chiến, người pháo 1 chuyển sang nhiệm vụ pháo 2, riêng ông đảm nhận thêm vai trò trực tiếp vận hành pháo 1.

"Đến khoảng 9 giờ 30 phút ngày 11-3-1975, xe tăng 980 là chiếc đầu tiên cùng bộ binh xông vào đánh chiếm và làm chủ Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 - cơ quan đầu não của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột. Sau đó, lực lượng của ta tiếp tục phát triển thế trận ra khu vực ngã sáu Buôn Ma Thuột. Quân ta tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, giải phóng Buôn Ma Thuột, nhanh chóng đập tan các cuộc phản kích, chi viện của địch" - ông Hưởng hồi tưởng.

Sáng 12-3-1975, trong lúc kiểm tra đội hình tại vị trí tập kết sau chiến đấu, đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng không may bị trúng mảnh bom vào chân, được đưa vào trạm phẫu thuật. Mảnh bom nằm quá sâu nên không thể lấy ra được, buộc phải khâu lại. Đêm đó, ông âm thầm trốn khỏi trạm phẫu thuật, trở về đơn vị để tiếp tục chuẩn bị cho trận đánh tại thị xã Cheo Reo, tỉnh Phú Bổn (nay thuộc tỉnh Gia Lai).

Nâng niu kỷ vật chiến đấu

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho biết T-54B là loại xe tăng hiện đại nhất lúc bấy giờ, do Liên Xô sản xuất. Ông tiếp nhận chiếc xe tăng 980 từ Lạng Sơn và hành quân mấy tháng trời mới vào đến Buôn Ma Thuột.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, xe tăng 980 do đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy đã tiêu diệt hàng chục lính địch, phá hủy 2 xe bọc thép, 1 xe tăng, 5 xe quân sự…, tạo điều kiện cho bộ binh làm chủ trận địa. Trên xe có 4 người, thực hiện 4 nhiệm vụ khác nhau.

Nửa thế kỷ đã trôi qua song các thiết bị, đồ vật gắn bó, hỗ trợ ông và đồng đội chiến đấu luôn được Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nâng niu, gìn giữ. Đó là những chiếc mũ chuyên dụng khi lái xe tăng, chiếc đài chỉ huy, đồng hồ hành trình, thậm chí là chiếc dao găm dùng cắt dây rừng cột đạn pháo… Với ông, đó là những kỷ vật vô giá. Mỗi kỷ vật là 1 câu chuyện để nhắc nhở về những tháng ngày gian nan nhưng rất đỗi tự hào.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho biết khi chiến đấu, mỗi thành viên trên xe tăng phải đội chiếc mũ gắn tai nghe, máy nói để thường xuyên nắm bắt thông tin, liên lạc với nhau và với sở chỉ huy. Chiếc đài được đặt bên trái vị trí trưởng xe tăng là hệ thống thông tin liên lạc để chỉ huy, tiếp nhận mệnh lệnh cấp trên và chỉ đạo thực tế hành động. Ban đầu, khi mới tiếp nhận chiếc 980, không ai biết sử dụng chiếc đài này. Trên đường hành quân vào Buôn Ma Thuột, ông cùng đồng đội vừa học vừa khai thác để phát huy tối đa hiệu quả.

Khi được giao chỉ huy xe tăng 980, ông Đoàn Sinh Hưởng còn được cấp chiếc dao găm. Ông lý giải: "Xe tăng 980 có 34 viên đạn. Khi đánh vào Buôn Ma Thuột, chúng tôi tìm cách thêm 10 viên nữa, cột cố định bằng dây rừng để tăng cường hiệu quả chiến đấu. Chiếc dao găm có nhiệm vụ cắt dây rừng cột cố định đạn trên xe tăng".

Thậm chí, miếng vải dù được cắt may lại từ chiến lợi phẩm của địch cũng được ông Hưởng nâng niu bởi ý nghĩa đặc biệt. "Đêm 30 Tết 1975, khi đi trinh sát chuẩn bị cho kế hoạch đánh Buôn Ma Thuột, tôi mang theo miếng vải dù này. Khi nằm ở nghĩa trang, trời mưa lất phất, tôi trùm nó lên để bớt rét và ngụy trang, tránh pháo sáng của địch phát hiện. Sau đó, suốt quá trình trinh sát, tôi luôn mang theo nó để làm chăn đắp và ngụy trang" - ông giải thích.

Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột hôm 10-3, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã trao tặng những món đồ nêu trên cùng nhiều kỷ vật khác cho tỉnh Đắk Lắk bảo quản, lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng.

Riêng chiếc xe tăng 980, sau Chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị của ông Hưởng nhận lệnh bàn giao cho đơn vị khác. Khi tiến vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xe tăng 980 bị địch bắn cháy tại cầu Xáng (nay thuộc huyện Hóc Môn, TP HCM). Năm 1995, tỉnh Đắk Lắk quyết định xây dựng Tượng đài Chiến thắng ở khu vực ngã sáu TP Buôn Ma Thuột và trên tượng đài này là mô hình chiếc xe tăng 980. 

Anh hùng ở tuổi 26

Năm 1966, khi mới 17 tuổi, ông Đoàn Sinh Hưởng nhập ngũ từ quê nhà Quảng Ninh. Năm 1968, trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông là tiểu đội trưởng kiêm trung đội phó Đại đội súng cối 82 ly - Trung đoàn 88. Trong 4 trận đánh ác liệt, ông đã đánh sập 5 lô cốt, phá hủy 1 khẩu đại liên, tiêu diệt 15 lính địch. Nhờ thành tích xuất sắc, ông được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt xe cơ giới", "Chiến sĩ thi đua"... và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa khi mới 19 tuổi.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ông giữ chức tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273 - Quân đoàn 3. Ông từng chỉ huy xe tăng 980, dẫn đầu đội hình tiến công vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột, lập nên nhiều chiến công...

Ông được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 Huân chương Chiến công hạng ba, 2 lần là "Chiến sĩ thi đua" cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Đặc biệt, tháng 9-1975, khi mới 26 tuổi, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Đoàn Sinh Hưởng tiếp tục phục vụ trong quân đội, giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, Tư lệnh Quân khu 4.

Trở lại chiến trường xưa, với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, mỗi bước chân là một hình ảnh, câu chuyện trong ký ức hiện về. Đó là tiếng gọi nhau của các chiến sĩ giữa lửa đạn, là ánh mắt đồng đội trước phút chia xa... Không có những giọt nước mắt nhưng trong sâu thẳm, ông luôn đau đáu khi hài cốt đồng đội vẫn còn nằm rải rác trên các cánh rừng.

"Chiến tranh đã lùi xa, đồng đội của tôi người còn, người mất. Trên chính mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này, biết bao đồng đội tôi đã không may nằm xuống để mang lại thống nhất, hòa bình cho đất nước hôm nay. Tôi mong tất cả đồng đội đều được quy tập đầy đủ" - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bày tỏ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo