Theo những người trong cuộc, những hoạt động vinh danh áo dài trong tháng 3-2024 cho thấy TP HCM còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa độc đáo giữa lòng phố thị, có thể tạo nên một không gian kiến trúc đặc trưng gắn liền với văn hóa nghệ thuật.
Gắn di sản với du lịch
Chủ tịch CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng Tuần lễ "TP HCM - Di sản - Kết nối" là dịp để các tổ chức, cá nhân yêu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam kết nối, giao lưu và tìm hiểu về các hoạt động liên quan di sản, từ đó đúc kết những phương hướng khả thi để đưa di sản đến gần hơn với công chúng và ngành du lịch.
TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM) cho biết những năm gần đây, TP HCM đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn nhưng cần phải gắn với văn hóa nghệ thuật, phải có sự trình diễn và quảng bá những nét đẹp đặc trưng của âm nhạc, sân khấu... Có như vậy thì di sản mới thu hút du khách.
"Những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, thổi được hồn dân tộc, với di sản văn hóa phi vật thể đã từng được UNESCO công nhận thì sẽ hấp dẫn du khách hơn" - TS Lê Hồng Phước nêu ý kiến.
Nhạc sĩ - NSƯT Văn Môn cho hay trong tháng 3-2024, ông sẽ cùng một số nhạc sĩ, nghệ sĩ sang Pháp tham gia trình diễn vở nhạc kịch "Đoạn tuyệt". Năm ngoái cũng tại Paris (Pháp), vở "Kiều" đã thu hút đông kiều bào và khán giả Pháp. "Việc kết hợp du lịch với văn hóa nghệ thuật là rất tiềm năng. TP HCM là nơi quy tụ lực lượng văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu hùng hậu nên rất cần chú trọng khai thác du lịch với di sản văn hóa, với văn hóa nghệ thuật" - NSƯT Văn Môn đề xuất.
Thăng hoa những nét đẹp kiến trúc
PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nêu ý kiến trụ sở HĐND và UBND TP HCM là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa trong quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP HCM. Công trình này cần được "đánh thức" vì nét cổ kính của tòa nhà rất phù hợp dàn dựng những vở diễn sân khấu thực cảnh phục vụ du lịch. "Khu tưởng niệm Ngã ba Giồng - huyện Hóc Môn (TP HCM) cũng thích hợp trở thành không gian sân khấu thực cảnh rất ấn tượng và ý nghĩa" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.
Gần đây, nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử tiêu biểu của thành phố bắt đầu mở cửa đón khách tham quan, thu hút một lượng khách không nhỏ đến thưởng lãm những vẻ đẹp mang nét đặc trưng của Sài Gòn - TP HCM. Song các di sản kiến trúc sẽ trở nên ấn tượng hơn khi được kết hợp với âm nhạc, vũ điệu và cả những di sản khác như: Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, hát Xoan… Nhiều du khách được vào tham quan trụ sở HĐND và UBND TP HCM đã chia sẻ rất ấn tượng với phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí vào đầu thế kỷ XX của tòa nhà. Nếu xen vào phần thuyết minh là âm nhạc thì những nét đẹp kiến trúc, điêu khắc và hội họa sẽ "có hồn" hơn.
Theo các nhà chuyên môn, nhiều điểm di tích, công trình kiến trúc nghệ thuật nằm ở trung tâm thành phố, các quận, huyện cần sớm có sự phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, Hội Sân khấu nhằm làm "sống lại" những giá trị văn hóa đã tạo nên hồn cốt cho một đô thị suốt hơn 300 năm qua.
TP HCM đang đẩy mạnh việc phát huy giá trị di sản thông qua việc kết nối với du lịch. Sở Du lịch TP HCM đã phát động chương trình mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với các di sản, di tích văn hóa nghệ thuật để giới thiệu đến công chúng và du khách.
Bình luận (0)