Israel và Iran đã đấu khẩu gay gắt tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP New York - Mỹ hôm 14-4. Cuộc họp này diễn ra sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel cuối ngày 13-4 (giờ địa phương), dẫn đến nỗi lo bùng phát xung đột trực tiếp toàn diện giữa hai nước.
Tại cuộc họp, theo đài Al Jazeera, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan nhấn mạnh cuộc tấn công của Iran đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ và Israel có quyền trả đũa.
Ông Erdan cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ xem Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là "một tổ chức khủng bố", cũng như áp đặt mọi biện pháp trừng phạt có thể lên Tehran trước khi quá muộn.
Đáp lại, Đại sứ Iran tại LHQ Amir Saeid Iravani nhấn mạnh hành động của nước này nhằm vào Israel là cần thiết và phù hợp. Quan chức này lưu ý Hội đồng Bảo an LHQ đã không lên án vụ tấn công của Israel nhằm vào khu phức hợp Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus - Syria hôm 1-4 và Tehran không còn lựa chọn nào khác là đáp trả.
Cũng theo ông Iravani, Iran không muốn leo thang quân sự hoặc chiến tranh nhưng sẽ đáp trả mọi đe dọa hoặc hành động gây hấn.
Trong động thái hạ nhiệt căng thẳng, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cả Israel và Iran kiềm chế, đồng thời cảnh báo các bên không khiến căng thẳng leo thang hơn nữa bằng hành động tấn công qua lại.
"Trung Đông đang bên bờ vực. Người dân tại khu vực này đang đối mặt nguy cơ thực sự của một cuộc xung đột toàn diện tàn khốc. Giờ là lúc xoa dịu căng thẳng và giảm leo thang" - ông Guterres kêu gọi.
Đây cũng là thông điệp chung được cộng đồng quốc tế đưa ra trong nỗ lực ngăn tình hình Trung Đông thêm xấu đi. Trong cuộc họp hôm 14-4, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã lên án vụ tấn công của Iran, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng cam kết tăng cường hợp tác để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza thông qua việc tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin Israel đang bị nhóm vũ trang Hamas cầm giữ, cũng như tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Palestine.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen thúc giục các bên liên quan nỗ lực khôi phục ổn định tại Trung Đông. Tình hình khu vực này là một trong những nội dung thảo luận chính khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu dự kiến nhóm họp trong 2 ngày 17 và 18-4.
Là đồng minh hàng đầu của Israel, Mỹ cũng kêu gọi thận trọng và bình tĩnh, không muốn căng thẳng gia tăng ở Trung Đông. Giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Washington sẽ không hỗ trợ quân sự trong trường hợp Israel tấn công trả đũa Iran.
Hiện cộng đồng quốc tế đang chờ xem Israel lựa chọn đáp trả ra sao và khi nào đối với vụ tấn công của Iran. Phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Peter Lerner hôm 15-4 cho biết giới chức quân sự nước này đã trình danh sách "những lựa chọn" trả đũa lên chính phủ. Đài ABC News dẫn lời ông Lerner cho biết phản ứng của IDF có thể là "tấn công hoặc không tấn công" và có nhiều kịch bản khác nhau dựa trên 2 động thái này.
Đòn mạnh giáng vào ngành hàng không
Vụ tấn công của Iran nhằm vào Israel khiến các hãng hàng không toàn cầu đối mặt tình trạng gián đoạn chuyến bay khi phải giảm bớt số lượng máy bay di chuyển giữa châu Âu và châu Á. Theo Reuters hôm 15-4, nhiều hãng hàng không đã phải hủy hoặc định tuyến lại các chuyến bay trong vài ngày qua, trong đó có Qantas (Úc), Lufthansa (Đức), United Airlines (Mỹ) và Air India (Ấn Độ). Trong khi đó, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) tiếp tục khuyên các hãng hàng không nên thận trọng trong không phận Iran và Israel.
Ông Mark Zee, người sáng lập tổ chức chuyên giám sát không phận và sân bay OPSGROUP, nhận định đây là sự gián đoạn lớn nhất đối với việc di chuyển bằng đường hàng không kể từ sự kiện khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ và tình trạng này có thể kéo dài thêm vài ngày nữa.
Diễn biến nói trên là đòn mạnh giáng vào ngành hàng không đang phải đối mặt nhiều hạn chế do xung đột giữa Israel và Hamas và khủng hoảng Ukraine. Theo ông Zee, không phận của Iran thường được các hãng hàng không đi lại giữa châu Âu và châu Á sử dụng. Họ chỉ có 2 tuyến đường thay thế khả thi là qua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc qua Ai Cập và Ả Rập Saudi. Israel đã đóng cửa không phận ngày 13-4 trước khi mở lại sáng 14-4. Jordan, Iraq và Lebanon cũng đã nối lại các chuyến bay qua lãnh thổ nước mình.
Anh Thư
Bình luận (0)