xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗ lực phát triển cây dược liệu

Bài và ảnh: QUANG NHẬT

Chiếm hơn 30% tổng số loài cây dược liệu của cả nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực để phát triển thế mạnh này

Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế nhờ đặc trưng khí hậu nhiệt đới chuyển tiếp giữa hai miền Bắc - Nam nên được ghi nhận là nơi hội tụ nhiều loài cây thuốc, trong đó hơn 1.600 loài có nhiều loài có giá trị y tế và kinh tế cao, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Đây là kho tàng rất lớn để tạo ra các sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị khám chữa trị bệnh.

Vùng đất tiềm năng dược liệu

Vườn Quốc gia Bạch Mã có phần lớn diện tích nằm ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế với độ cao 1.450 m so với mực nước biển. Nơi đây có hệ thảm thực vật rất phong phú, trong đó các nhà khoa học đã xác định được 112 loài cây dược liệu thuộc 58 họ thực vật khác nhau. Chưa kể còn một số loài người dân địa phương thường dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm cổ truyền.

Theo TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, 112 loài cây thuốc ở Vườn Quốc gia Bạch Mã đã được các nhà khoa học điều tra để xếp thành các nhóm trị bệnh khác nhau. Trong đó có 15 loài có tác dụng trị bệnh tiêu hóa, 14 loài trị bệnh tiết niệu, 10 loài trị bệnh phụ khoa, 4 loài trị sốt rét…

Ông Thắng cho biết từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai thực hiện 17 nhiệm vụ KH-CN về dược liệu và đánh giá được thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau. Tỉnh này cũng đề xuất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu thuốc cho các tiểu vùng sinh thái khác nhau dựa trên các dẫn liệu phân bố tự nhiên, sinh thái và tập quán sử dụng; xây dựng thành công danh mục 200 cây thuốc chữa bệnh theo tri thức bản địa.

"Thông qua các dự án này, chúng tôi cũng đã phát hiện các loài dược liệu quý để đưa vào danh mục nghiên cứu và triển khai trồng trọt. Đến nay, diện tích cây dược liệu được gây trồng tại địa phương khoảng hơn 315 ha, với những loài cây dược liệu quý như sa nhân, ba kích, đinh lăng, hà thủ ô, thổ phục linh, sâm cau…" - TS Hồ Thắng phấn khởi.

Nỗ lực phát triển cây dược liệu- Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan gian hàng tinh dầu tràm của người dân sản xuất

Nỗ lực phát triển cây dược liệu- Ảnh 2.

Cây tràm - dược liệu quý được trồng rộng rãi ở Thừa Thiên - Huế để chiết xuất tinh dầu

Nỗ lực phát triển cây dược liệu- Ảnh 3.

Nấu dầu tràm từ cây tràm dược liệu- sản phẩm đặc trưng của Thừa Thiên – Huế

Thương mại hóa sản phẩm

Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi thông qua các dự án dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Dù vậy, TS Hồ Thắng nhìn nhận sản xuất cây dược liệu ở tỉnh Thừa Thiên - Huế còn mang tính tự phát, thiếu bền vững. Kỹ thuật trồng chăm sóc và chế biến sau thu hoạch vẫn chưa đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chuẩn; các mô hình trồng chưa có sự liên kết với các cơ quan quản lý trung gian và các đầu mối bao tiêu đầu ra cho sản phẩm; chưa có nhiều chính sách ưu đãi thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển vùng trồng, khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Ái Nhung (Trường ĐH Khoa học - ĐH Huế), để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành dược liệu, cần phải có sự kết nối, hợp tác giữa nhà khoa học - doanh nghiệp - nông dân. Việc hợp tác giữa "3 nhà" này sẽ giải được bài toán nâng giá trị kinh tế cho dược liệu.

PGS-TS Nguyễn Thị Ái Nhung cho rằng cần chủ động và kiểm soát nguồn nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng KH-CN và phải bảo đảm phát triển bền vững từ nhà khoa học - nhà đầu tư - nhà nông.

Bà Bùi Thanh Hằng, chuyên gia Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KH-CN), cho rằng đã đến lúc chúng ta cần phát triển và mở rộng thị trường "ngách" - thị trường tiêu thụ tập trung vào một nhóm đối tượng cụ thể, có sở thích, nhu cầu… khác biệt với phần lớn thị trường còn lại. "Nói cách khác là khai thác thế mạnh từ các viện, trường với các công trình nghiên cứu tốt; người trồng vùng nguyên liệu và doanh nghiệp thương mại hóa sản phẩm để cho ra đời sản phẩm dược liệu thị trường đang cần" - bà Hằng nhấn mạnh.

TS Hồ Thắng cho rằng tỉnh Thừa Thiên - Huế có tiềm năng lớn về tài nguyên dược liệu bản địa, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc từ thiên nhiên của người tiêu dùng đang ngày càng cao. Vì vậy, hướng đi khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu tại tỉnh này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển vùng trồng dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Từ đó xây dựng các mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng gắn với nguồn tài nguyên dược liệu bản địa với đa dạng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho du khách. 

Phát triển xanh và bền vững

Theo bà Bùi Thanh Hằng, Việt Nam có khoảng 5.117 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó có 200 loài đã được khai thác thương mại có giá trị cao. Vì vậy, nước ta là một trong 15 quốc gia có tên trong bản đồ dược liệu thế giới. "Ngành dược liệu đang chuyển mình để thích ứng với xu hướng phát triển xanh và bền vững. Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị cho chuỗi giá trị dược liệu, đặc biệt đổi mới sáng tạo mở giúp thúc đẩy kết quả nghiên cứu từ viện, trường ra thị trường" - bà Hằng đánh giá.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo