Với bờ biển dài hơn 190 km, Bình Thuận là một trong những địa phương ven biển Nam Trung Bộ chịu tác động rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, tình trạng hoang mạc hóa, xâm thực, xói lở bờ biển, suy giảm đa dạng sinh học và mất đất sản xuất đã đặt ra vấn đề cấp thiết về bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ven biển đối với địa phương này.
Hệ sinh thái suy thoái nghiêm trọng
Các năm qua, nhiều diện tích rừng ven biển tại Bình Thuận bị suy thoái nhanh chóng do tác động của biến đổi khí hậu và con người. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận, địa phương này hiện còn khoảng 23.114 ha đất rừng ven biển, tập trung ở các huyện Bắc Bình, Tuy Phong và Hàm Thuận Nam. Mỗi năm, hàng chục hecta rừng bị xâm hại bởi nạn chặt phá trái phép hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tình trạng sạt lở bờ biển.

Khu vực ven biển huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được bao phủ bởi các cánh rừng phi lao xanh ngát
Tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, bờ biển xói lở đã khiến hơn 20 ha rừng phi lao phòng hộ bị cuốn trôi trong vòng 5 năm qua. Nhiều diện tích rừng ven biển cũng bị đe dọa bởi tình trạng xâm thực, xói lở và cả việc chồng lấn với diện tích đất triển khai các dự án phát triển kinh tế, du lịch, khiến rừng mất dần vai trò che chắn, giữ đất.
Ở nhiều khu vực, rừng không còn đủ độ dày để chống chịu gió bão, làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn và suy giảm hệ sinh thái ven biển. Các chuyên gia cảnh báo nếu không có giải pháp bảo vệ khẩn cấp, Bình Thuận có thể mất đi vành đai xanh tự nhiên quý giá, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hàng ngàn hộ dân ven biển.
Ngoài ra, Bình Thuận hiện có khoảng 25.800 ha đất bị suy thoái, sa mạc hóa, tập trung ở các huyện ven biển như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi. Trong đó, vùng đất cát tại Tuy Phong và Bắc Bình từng bị gió cuốn, cát bay tạo nên những vành đai trắng xóa, phá hủy đất nông nghiệp và đe dọa cuộc sống cư dân.
Dựng lại "tấm lá chắn" xanh
Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận, để bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng ven biển, thời gian qua, tỉnh đã lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án. Trong đó, đáng chú ý là Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững (CT 809); Dự án Trồng rừng ven biển (SP-RCC) và trồng rừng thay thế để phát triển, phục hồi rừng phòng hộ ven biển thông qua hoạt động trồng, chăm sóc, phục hồi, nâng cấp, khoanh nuôi tái sinh...
"Đến nay, Bình Thuận đã trồng rừng, chăm sóc rừng trồng tập trung với 1.411 ha. Với dự án trồng rừng ven biển chắn sóng, chắn cát để cải thiện môi trường sống và canh tác giai đoạn 2015 - 2020, địa phương đã đầu tư trồng, chăm sóc 316 ha; trồng rừng thay thế 1.095 ha, chủ yếu là các loại cây phi lao, bạch đàn, keo, xoan, giáng hương, thanh thất… Ngoài ra, chúng tôi còn trồng bổ sung, phục hồi 405,2 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh 100 ha rừng tự nhiên và bảo vệ 21.315 ha rừng hiện có tại các khu vực ven biển" - ông Sơn thông tin.
Tại huyện Tuy Phong, dự án trồng rừng phi lao ở 2 xã Chí Công và Bình Thạnh được xem là điểm sáng. Ông Nguyễn Văn Nam, cán bộ lâm nghiệp địa phương, cho biết: "Sau 3 năm, rừng phi lao đã tạo nên vành đai chắn gió hiệu quả, giúp giảm tình trạng cát bay, ổn định đất sản xuất và cải thiện khí hậu cho khu dân cư". Gần 120 ha rừng phòng hộ tại đây được giao khoán cho người dân quản lý, tạo sinh kế bền vững.
Huyện Hàm Thuận Nam cũng được ghi nhận với việc khôi phục, phát triển rừng dọc tuyến ven biển Tân Thuận - Thuận Quý - Tân Thành. Khu vực này từng bị xâm lấn bởi các dự án du lịch và khai thác đất, gây xói lở nghiêm trọng. Hiện nay, gần 90 ha rừng phi lao kết hợp cây bản địa đã được trồng lại, một phần do nguồn xã hội hóa và hỗ trợ từ ngân sách tỉnh.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (huyện Hàm thuận Nam, Bình Thuận) tổ chức trồng rừng ven biển từ nguồn vốn trồng rừng thay thế năm 2023
Tại đảo Phú Quý - nơi có địa hình khắc nghiệt với nhiều gió lớn và đất nghèo dinh dưỡng, việc trồng rừng ven biển gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, các trạm lâm nghiệp huyện đã thí điểm thành công việc trồng phi lao và muồng đen tại các xã Tam Thanh, Long Hải và Ngũ Phụng. Cán bộ kỹ thuật Trạm Lâm nghiệp Phú Quý cho rằng nếu trồng đồng loạt các giống cây chịu hạn tốt, ít sâu bệnh sẽ hình thành hành lang xanh bảo vệ hòn đảo trước tác động của gió bão và triều cường.
Theo ông Lê Thanh Sơn, nhiều năm qua, các cơ quan chuyên môn ở địa phương đã triển khai mô hình sử dụng chất polyme để trồng cây phi lao trên các đồi cát. Chất polyme - chế tạo từ tinh bột sắn biến tính - được bón dưới hố trồng cây. Vật liệu này có khả năng trương nở cao nên giữ nước khá lâu, cây trồng có thể dễ dàng hút nước để sinh trưởng và phát triển trong thời tiết khô hạn. Nhờ áp dụng kỹ thuật này, tỉ lệ sống của cây trồng đạt hơn 90%.
Bên cạnh trồng rừng, việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được tỉnh Bình Thuận chú trọng đẩy mạnh. Từ đó, địa phương giảm thiểu được tình trạng sa mạc hóa, góp phần phát triển kinh tế. Đặc biệt, tại huyện Bắc Bình - nơi từng được xem là "vùng đất chết" bởi có trên 15.000 ha đất cát bạc màu, vùng nông nghiệp công nghệ cao rộng lớn đang dần hình thành.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc bảo vệ rừng ven biển tại Bình Thuận vẫn đối mặt nhiều thách thức. Tốc độ phát triển du lịch, đô thị hóa nhanh khiến đất rừng dễ bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc thiếu nguồn vốn duy trì trồng rừng quy mô lớn cũng là rào cản.
Việc phục hồi rừng ven biển không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn là chiến lược phát triển bền vững của địa phương. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận, thời gian tới, địa phương sẽ lồng ghép mục tiêu trồng rừng ven biển vào quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh giai đoạn 2026-2030. Bình Thuận sẽ kêu gọi nguồn lực từ xã hội để tham gia phục hồi, bảo vệ rừng.
Giải pháp then chốt
Bên cạnh việc đầu tư trồng mới và phục hồi rừng, Bình Thuận xác định một trong những giải pháp then chốt là giao khoán cho người dân bảo vệ rừng. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận, đến nay, tổng diện tích rừng được giao khoán là 132.792 ha. Trong đó, 86.179,4 ha được giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi hộ dân được giao khoán sẽ nhận tiền công bảo vệ rừng hằng năm; được hướng dẫn cách chăm sóc, PCCC và khai thác lâm sản phụ.
Bình luận (0)