xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗ lực xây dựng thành phố môi trường

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Để đề án thành hiện thực, ngoài nỗ lực của chính quyền TP Đà Nẵng còn cần sự chung tay của người dân, du khách, DN trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường

Năm 2021, UBND TP Đà Nẵng ban hành đề án xây dựng thành phố môi trường với 70 nhiệm vụ trọng tâm. Sau 3 năm thực hiện, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả khả quan song cũng còn những hạn chế, thách thức phải nỗ lực vượt qua.

Kiểm soát được ô nhiễm môi trường

Trong giai đoạn 2021-2024, Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường bằng các hành động cụ thể.

Theo đó, Đà Nẵng tăng cường kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn thải; đầu tư cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa; bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính quyền thành phố cũng chủ động hợp tác, thu hút nguồn lực đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý trong lĩnh vực này.

Ở nhóm nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp. Trong đó, thành phố thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng với 60 trạm và 600 chiếc; cấp phép đưa vào hoạt động 400 taxi điện; hỗ trợ triển khai thí điểm hệ thống 85 xe điện 4 bánh trên một số tuyến đường kết nối với các điểm du lịch, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm.

Đối với việc giải quyết những vấn đề môi trường trọng tâm, cấp bách, Đà Nẵng đã xây dựng đề án di dời làng nghề vào các cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, như làng đá Non Nước…

Đà Nẵng cũng đã đầu tư, đưa vào vận hành 2 trạm trung chuyển rác có công nghệ ép rác hiện đại và hệ thống xử lý chất thải phát sinh. Hiện nay, tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tỉ lệ hộ gia đình triển khai phân loại rác tại nguồn đối với nhóm chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế đạt trên 93%.

Trong giai đoạn 2021-2024, 16/31 tiêu chí của đề án đã đạt được, như bảo đảm chất lượng không khí; 100% dân số được cung cấp nước sạch; 100% chất thải nguy hại được thu gom, xử lý…

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhìn nhận kết quả nêu trên thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo thành phố; sự chủ động của các sở, ngành, địa phương cùng việc hỗ trợ của các bộ, ngành và sự chung tay của người dân, du khách, cộng đồng doanh nghiệp trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Giai đoạn tới, TP Đà Nẵng xác định tiếp tục giữ vững thành quả đạt được, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Nhiều giải pháp đã được đưa ra, như xây dựng và triển khai thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, có mức phát thải carbon thấp; khuyến khích áp dụng mô hình quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14.000; khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất tái chế thân thiện với môi trường, hướng tới sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Bãi rác Khánh Sơn - nơi xử lý rác toàn TP Đà Nẵng theo công nghệ chôn lấp - vẫn còn phát tán mùi hôi đến khu dân cư

Bãi rác Khánh Sơn - nơi xử lý rác toàn TP Đà Nẵng theo công nghệ chôn lấp - vẫn còn phát tán mùi hôi đến khu dân cư

Nhiều đơn vị, địa phương ở Đà Nẵng tổ chức phân loại rác tại nguồn

Nhiều đơn vị, địa phương ở Đà Nẵng tổ chức phân loại rác tại nguồn

Nhiều khó khăn, thách thức

Theo UBND TP Đà Nẵng, trong 3 năm qua, một số chỉ tiêu của đề án xây dựng thành phố môi trường vẫn chưa đạt được.

Cụ thể, diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị; số khu đô thị tập trung đạt mô hình đô thị sinh thái; số khu công nghiệp (KCN) đạt tiêu chuẩn sinh thái theo tiêu chí quốc gia; tỉ lệ che phủ rừng... đều chưa đạt được yêu cầu mà đề án đặt ra.

Một số doanh nghiệp trong KCN ở Đà Nẵng dù xả thải đạt quy chuẩn cho phép nhưng vẫn gây ảnh hưởng đến khu dân cư do việc quy hoạch phát triển nhà ở, chung cư xã hội, công trình văn hóa không bảo đảm khoảng cách. Trong khi đó, một số KCN được quy hoạch từ năm 1998, trước khi các chung cư xã hội được xây dựng.

Việc kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác ở Đà Nẵng cũng gặp một số khó khăn. Đơn cử, quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xử lý chất thải rắn theo phương thức PPP (đối tác công tư) do nhà đầu tư đề xuất kéo dài do Luật Đầu tư theo phương thức PPP mới ban hành; các nghị định, thông tư liên quan chưa đầy đủ, chặt chẽ, dẫn đến việc thực thi còn nhiều vướng mắc.

Khu dân cư các tổ 128, 127 ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng tiếp giáp bãi rác Khánh Sơn - nơi xử lý rác của toàn thành phố theo công nghệ chôn lấp. Người dân địa phương liên tục phản ánh đến cơ quan chức năng về việc phải sống khổ sở do mùi hôi từ bãi rác. Việc này diễn ra nhiều năm nay nhưng địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vào giữa tháng 12-2024, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc 2 dự án xử lý rác thải của thành phố đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ". Đại biểu đề nghị thành phố cam kết rõ thời gian thực hiện và hoàn thành.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đối với 2 dự án này, thành phố cũng thấy "rất áp lực". Thời gian qua, các sở, ngành và chính quyền thành phố đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ, phần việc còn lại là của nhà đầu tư và bộ, ngành liên quan. Đà Nẵng sẽ cố gắng để dự án thực hiện trong năm 2025.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết thành phố đang thực hiện hồ sơ thủ tục liên quan để đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác. Trong đó, dự án nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự kiến đi vào hoạt động vào quý III/2026. Đà Nẵng cũng đang kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất xử lý 1.000 tấn/ngày đêm.

Ông Lê Quang Nam khẳng định sau khi 2 nhà máy này đi vào hoạt động sẽ cơ bản xử lý toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt của thành phố. Qua đó, Đà Nẵng bảo đảm hoàn toàn mục tiêu hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp.

Trong khi đó, ở các khu vực như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn..., nhiều thời điểm người dân phản ánh việc nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra biển. Lãnh đạo Đà Nẵng cho biết đang đầu tư các dự án xử lý nước thải để chấm dứt hoàn toàn việc nước thải chưa qua xử lý đổ ra biển. 

Trong quá trình thực hiện đề án xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, công nhận là 1 trong 5 địa phương đạt mức bảo vệ môi trường tốt năm 2020; dẫn đầu cả nước năm 2021 và 2022. Trong 2 năm 2021, 2023, Đà Nẵng đã đoạt giải thưởng "Thành phố thông minh Việt Nam" trong lĩnh vực "thành phố môi trường thông minh xanh - sạch".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo