Tác phẩm thu hút lượng lớn khán giả theo dõi nhưng cũng có không ít lời chê về kỹ xảo kém, hóa trang một số cảnh trông rất giả. "Duyên tiên tiền định" do Bùi Ngọc Nam Phương đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên: Hòa Hiệp, Quỳnh Lam, Nguyệt Ánh, Huỳnh Trường Thịnh, Thanh Hiền… Phim được chiếu trên kênh Truyền hình Vĩnh Long 1 (THVL1) bắt đầu từ ngày 19-2 đến 15-3.
Nội dung phim kể câu chuyện kỳ ảo về quan giám mã Phạm Trung (Hòa Hiệp đóng) và tiên nữ ngự trù Kim Sang yêu nhau, phạm luật trời và bị phạt. Kim Sang bị đày xuống trần gian làm người thường, chịu hình phạt nấu ăn cho người khác. Còn Phạm Trung bị giam cầm, đói khát suốt 300 năm. Khi tình cờ được vợ chồng thương nhân Minh Đạt giải cứu, Phạm Trung lập tức muốn tìm Kim Sang. Tuy nhiên, phép thuật không còn, Phạm Trung chỉ còn cách lưu lạc chốn trần gian để tìm kiếm cơ hội, dù mong manh.
Phim thu hút lượng khán giả cao, giúp tác phẩm nhiều lần dẫn đầu danh sách tốp 10 chương trình được xem nhiều nhất cả nước do Kantar Media thống kê. "Duyên tiên tiền định" vượt qua những tác phẩm như "Chúng ta của 8 năm sau", "Gặp em ngày nắng" về độ thu hút. Thế nhưng, bên cạnh những ưu điểm được khán giả khen ngợi như nội dung phim hài hước, tình tiết dễ hiểu, thú vị, diễn viên diễn xuất tốt, nhạc phim tạo được sức hút, phim vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ xảo, hóa trang. Trong đó, phần kỹ xảo quá kém, nhiều khán giả chê: "Kỹ xảo thua cả phim cổ tích làm từ 10 năm trước", "Phần râu tóc của Phạm Trung lúc còn làm quan giám mã trông thật giả trân", "Phục trang mấy cảnh trên thiên đình như cải lương tuồng cổ", "Nhìn qua đã thấy giả, phông nền cảnh trí đều là hình vẽ".
Trước sự chê bai nặng nề về kỹ xảo, một số khán giả bày tỏ sự cảm thông, cho rằng có thể do đoàn phim không có nhiều kinh phí nên chẳng thể làm tốt phần này. Đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương trước đó cũng chia sẻ trên các phương tiện truyền thông rằng khán giả chê đúng vì nước ngoài làm thể loại này rất tốt. Ở Việt Nam, những phim điện ảnh, video ca nhạc hay các video clip quảng cáo phần kỹ xảo cũng được nâng cao dần. Họ có thể chăm chút tốt phần kỹ xảo vì có kinh phí trong khi kinh phí sản xuất phim truyền hình Việt rất hạn chế.
Nhiều người trong giới nhận định đây là nỗi buồn của phim truyền hình cổ trang, các phim bối cảnh xưa của Việt Nam. Do không có phim trường cổ trang đúng chuẩn như của Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước trong khu vực, phim truyền hình Việt Nam chỉ loanh quanh những đề tài hiện đại, khai thác tình cảm gia đình, đời sống xã hội là chủ yếu. Để quay phim bối cảnh xưa đã vất vả, tốn kém thì việc quay phim cổ trang còn tốn kém hơn, nhất là phần kỹ xảo, phục trang. Vì thế, số lượng phim cổ trang Việt không nhiều, khiến khán giả luôn muốn xem mà không có tác phẩm mới để thưởng thức.
Với phim "Duyên tiên tiền định", dù có điểm trừ vẫn được nhiều khán giả chấp nhận bỏ qua, tập trung vào nội dung, diễn xuất của diễn viên. Bởi họ biết đoàn phim không có nhiều kinh phí để thực hiện. Nếu muốn phát triển thể loại phim này, tạo sự đa dạng trong "món ăn tinh thần" cho khán giả, việc xây dựng các phim trường cần được cơ quan quản lý xem xét thực hiện sớm.
Bình luận (0)