Mỗi năm, hàng triệu heo đất đủ loại hình thù xinh xắn được làm ra tại xưởng heo đất ông Tâm (phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) do anh Trần Thiên Long là đời thứ 3 vận hành.
Với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng, những người thợ ở đây đã tạo nên một "thủ phủ" heo đất độc đáo, góp phần làm phong phú thêm thị trường đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Anh Long cho biết mỗi ngày, xưởng sản xuất từ 1.000 - 2.000 con heo đất. Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, xưởng anh sản xuất trên 100.000 heo đất để bán khắp các tỉnh thành Việt Nam và xuất khẩu sang Campuchia. Tuy nhiên, lượng sản phẩm bán ra vẫn giảm mạnh so với mọi năm.
"Trong 1 năm có thể sản xuất đến khoảng 1 triệu con heo đất. So với năm ngoái, số lượng bán ra giảm khoảng 80%-90%. Vì số lượng heo đất thô mình nhập ở lò, năm nay lò nghỉ sớm, mình không có hàng thô để làm"- anh Trần Thiên Long, chủ xưởng heo đất, chia sẻ.
VIDEO: Một triệu con heo được bán ra mỗi năm từ "thủ phủ" heo đất Bình Dương
Để có một sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ phải có đủ sự kiên nhẫn và tỉ mỉ từ khâu kiểm tra chất lượng hình dáng heo đất thô, sau đó là trang trí và cuối cùng là đóng hàng.
Những sản phẩm 3D sẽ được sơn bằng máy phun sơn, anh Tuấn, thợ sơn máy, cho biết sơn máy sẽ dành cho những con heo có nhiều chi tiết cầu kỳ hơn, các đường nét trang trí sâu hơn. Những con heo có bề mặt trang trí láng hơn sẽ được sơn bằng cọ.
Giá thành trung bình từ 10.000 - 100.000 đồng/ con.
Heo nhỏ nhất là heo cóc, dao động từ 10.000- 20.000 đồng/ con. Cỡ trung thì dao động từ 20.000-30.000 đồng/ con. Cỡ lỡ thì từ 40.000-50.000 đồng/ con. Cỡ đại thì từ 50.000-60.000 đồng/ con và cỡ lớn nhất từ 80.000-100.000 đồng/ con.
Mẫu mã phụ thuộc do khách hàng và thợ tự sáng tạo để bắt mắt, thu hút người mua.
Đa dạng mẫu mã và kích cỡ heo đất.
"Công việc này của mình kiếm tiền theo sản phẩm, 1.000- 2.000 đồng/ con. Tùy theo lượng đơn khách hàng đặt, những mặt hàng có giá trị cao hơn thì mình cũng cải thiện được mức thu nhập" - chị Trần Kha bộc bạch
Làm công việc phun sơn heo đất được năm, ông Nguyễn Văn Cường cho biết một ngày có thể vẽ được khoảng 1.000 con.
Cách đó không xa, xưởng heo đất của ông Khanh cũng đang tất bật soạn hàng giao khách ở miền Tây và Campuchia. Theo nhận định chung của các tiểu thương tại "thủ phủ" heo đất, lượng khách năm nay giảm mạnh so với cùng thời điểm năm trước.
Với sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương, xưởng heo đất ông Tâm đã có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến với nhiều khách hàng hơn.
Tuy nhiên, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, những xưởng heo đất truyền thống tại Bình Dương cần có những giải pháp kinh doanh hiệu quả hơn cũng như sự ủng hộ của cộng đồng.
Bình luận (0)