HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết về lộ trình dừng sản xuất, nhập khẩu, sử dụng nhựa dùng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), túi ni-lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Hơn 1.400 tấn rác thải nhựa/ngày
Cụ thể, từ ngày 1-1-2026, khách sạn, khu du lịch không được lưu hành, sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm; bao bì nhựa dùng một lần để chứa kem đánh răng, sữa tắm, dầu gội...
Các chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi ni-lông khó phân hủy sinh học từ ngày 1-1-2027; không lưu hành, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông, hộp xốp... từ ngày 1-1-2028. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền TP Hà Nội cũng không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ đầu năm 2028.
Với hoạt động sản xuất, doanh nghiệp phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế trong bao bì kể từ ngày 1-1-2028 và nâng lên tối thiểu 30% sau 2 năm. Đồng thời, giảm dần việc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Đáng chú ý, từ năm 2031, TP Hà Nội sẽ dừng sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nêu trên, trừ những trường hợp được cho phép.
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố phát sinh hơn 1.400 tấn chất thải nhựa/ngày, trong đó hơn 60% là nhựa dùng một lần, túi ni-lông. Mỗi ngày có hơn 100.000 túi ni-lông được phát ra, tương đương 38 triệu chiếc/năm, phần lớn là sử dụng một lần.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các siêu thị, cửa hàng và chợ ở Hà Nội, người bán hàng chủ yếu sử dụng túi ni-lông, hộp nhựa để đựng thực phẩm, đồ dùng... Với tính chất mỏng, nhẹ, tiện lợi, giá rẻ, dễ dùng, túi ni-lông hay các loại hộp nhựa rất được ưa chuộng. "Nếu sử dụng bao bì giấy, túi dễ phân hủy để đóng gói thực phẩm thì giá thành cao, không thể miễn phí cho khách hàng" - chị Nguyễn Thị Hoa, chủ quán ăn tại phường Định Công, TP Hà Nội, nêu thực tế.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương bán rau tại chợ Ngọc Hà (TP Hà Nội), cho hay mỗi ngày sử dụng hơn 500 g túi ni-lông để đựng hàng cho khách. "Nhiều khách chỉ mua 1 bó rau thơm hay vài quả ớt cũng cần đựng bằng túi ni-lông. Giá túi ni-lông chỉ hơn 10.000 đồng/kg nên có thể phục vụ khách miễn phí" - chị Hạnh băn khoăn.
Cần giải pháp đồng bộ
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) nhìn nhận quy định cấm sử dụng túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần theo lộ trình của TP Hà Nội là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, phải tính đến bài toán đồng bộ về xã hội và kinh tế.
Cụ thể, cần thay đổi nhận thức của cộng đồng thông qua tuyên truyền về tác hại lâu dài của rác thải nhựa đến môi trường đất, đại dương và sức khỏe thế hệ tương lai. Song song đó là phát triển, cung cấp sản phẩm bao bì thay thế thân thiện với môi trường, có tính ứng dụng, dễ sử dụng và giá thành hợp lý.

Sản phẩm rau bọc lá chuối ở siêu thị được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Ảnh: THÙY LINH
"Cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu thân thiện môi trường với chi phí phù hợp, dễ tiếp cận. Trước khi chính thức cấm hoặc hạn chế sử dụng túi ni-lông, cần bảo đảm có đủ nguồn vật liệu thay thế bởi người dân chỉ có thể thay đổi hành vi khi họ có sự lựa chọn phù hợp" - đại biểu Trương Xuân Cừ phân tích.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Luật Thủ đô năm 2024 đã đưa ra nhiều quy định nhằm kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa, trong đó có quy định về biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động xử lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng liên quan tái chế rác thải.
"Tận dụng và thực thi nghiêm quy định trong Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo nền tảng cho một hệ thống quản lý rác thải hiệu quả hơn. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để Hà Nội kiểm soát ô nhiễm nhựa" - luật sư Trần Tuấn Anh gợi ý.
Nhiều chuyển động tích cực
Trước khi chính quyền các địa phương đưa ra lộ trình giảm, dừng sản xuất, sử dụng bao bì nhựa, nhiều người dân và các hệ thống kinh doanh trên cả nước đã chủ động chuyển đổi.
Hơn 2 năm nay, bà Nguyễn Thị Sinh (phường Đông Ngạc, TP Hà Nội) có thói quen mang theo túi vải riêng để đựng đồ khi đi chợ, mua hàng. Theo bà, việc này nhằm giảm sử dụng nhiều túi ni-lông khi mua sắm, góp phần bảo vệ môi trường.
Nhiều hệ thống siêu thị đã sẵn sàng các giải pháp giảm sử dụng, "nói không" với túi ni-lông. Đại diện Central Retail Việt Nam cho biết hệ thống siêu thị GO! đã và đang kinh doanh sản phẩm rau bọc lá chuối; thay thế bao bì đóng gói thực phẩm có thành phần plastic bằng túi ni-lông phân hủy sinh học; kinh doanh sản phẩm gạo hữu cơ, cà phê đóng gói bằng bao bì giấy.
Tại Aeon Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc cấp cao Khối Chiến lược nguồn nhân lực, thương hiệu và nhà cung cấp - thông tin ngay từ khi khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên, hệ thống đã chủ động thực hiện các sáng kiến giảm thiểu nhựa dùng một lần.
Theo đó, sử dụng 100% túi ni-lông phân hủy sinh học tại các Trung tâm Bách hóa tổng hợp và siêu thị của hệ thống từ năm 2014. Từ năm 2019, các siêu thị ngừng kinh doanh sản phẩm nhựa dùng một lần; giới thiệu sản phẩm có công năng tương tự được làm từ giấy, bột gạo, bột bắp, bã mía...
Hệ thống này cũng khuyến khích khách hàng tham gia xu hướng mua sắm xanh thông qua giảm 1.000 đồng/giao dịch không sử dụng túi ni-lông, cho khách hàng thuê túi với chi phí 5.000 đồng/chiếc và được hoàn tiền khi trả lại túi...
Trong khi đó, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) tiên phong ngưng kinh doanh ống hút nhựa; tiến tới ngưng kinh doanh hoàn toàn đồ dùng một lần bằng nhựa trước ngày 1-1-2026; khuyến khích khách hàng mang túi cá nhân khi mua sắm, tặng túi vải cho khách...
LOTTE Mart cũng không đứng ngoài cuộc khi thực hiện chiến dịch "Go Green - Đi chợ không túi ni-lông", chính sách cộng điểm khi khách hàng dùng các loại túi tái sử dụng (eco bag, túi cá nhân) và có hóa đơn từ 300.000 đồng...
Thách thức từ hành vi tiêu dùng
Từ năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng "Liên minh siêu thị giảm tiêu thụ túi ni-lông". Hơn 16 hệ thống bán lẻ - gồm Saigon Co.op, Aeon, LOTTE, MM Mega Market, Big C... - đã cam kết thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân thông qua các hoạt động giảm túi nhựa dùng một lần, phát túi sinh học và truyền thông.
"Thách thức lớn nhất là làm sao thay đổi được hành vi của người tiêu dùng - vốn đã quen với sự tiện lợi của túi ni-lông. Cần sự đồng hành mạnh mẽ từ phía nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng" - đại diện một hệ thống bán lẻ nhận xét.

Bình luận (0)