icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi

MAI CHI - HUỲNH NHƯ

Cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người cao tuổi còn khả năng lao động và có nhu cầu làm việc

Do có 30 năm làm công việc nặng nhọc, bà Lê Thị Minh - công nhân (CN) một công ty chuyên sản xuất giày dép và may mặc tại quận Gò Vấp, TP HCM - nghỉ hưu khi vừa tròn 50 tuổi. Sau khi hoàn tất thủ tục hưởng lương hưu, bà xin trở lại công ty làm việc. Đến năm 2022, do công ty thay đổi cơ cấu sản xuất nên bà Minh mất việc. Nay ở tuổi gần 60, bà vẫn đi giúp việc nhà theo giờ.

Khó tiếp cận việc làm

Bà Minh cho biết thời điểm bắt đầu nghỉ hưu (năm 2018), dù được tính tỉ lệ lương hưu tối đa (75%) nhưng bà chỉ được hưởng 2,8 triệu đồng/tháng. Do vậy, việc bà tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu là để cải thiện thu nhập và nuôi con ăn học.

"Ngoài tôi, công ty cũng sử dụng khá nhiều lao động đã nghỉ hưu. So với CN mới, chúng tôi thua kém về sức khỏe nhưng hơn hẳn ở tay nghề, kinh nghiệm. Sử dụng lao động lớn tuổi như chúng tôi, doanh nghiệp (DN) cũng hưởng lợi vì không phải đào tạo, đóng các khoản bảo hiểm và linh động hơn trong việc thực hiện ký hay chấm dứt hợp đồng lao động (vì chỉ ký hợp đồng từng năm một)" - bà Minh cho hay.

Tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi - Ảnh 1.

Người cao tuổi cần được tạo điều kiện làm việc nếu họ còn khả năng cống hiến. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Ông Phan Văn Điền (huyện Củ Chi, TP HCM) nghỉ hưu từ năm 2021 khi hơn 60 tuổi. Trên 35 năm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật điện tại một DN nhà nước, ông được đánh giá là một kỹ sư giỏi nghề, giàu kinh nghiệm nên ngoài công việc chuyên môn còn được giao đào tạo nghề cho CN trẻ. Từ khi nghỉ hưu, ông vẫn giữ thói quen dậy sớm, đọc tài liệu chuyên môn, theo dõi các diễn đàn kỹ thuật để cập nhật kiến thức mới.

"Tôi còn khỏe, còn minh mẫn nên muốn tiếp tục làm việc. Nếu nơi nào cần cố vấn kỹ thuật, tôi sẵn lòng hỗ trợ, không vì thu nhập mà vì cảm giác mình vẫn còn có ích" - ông Điền nói. Với mong muốn đó, khi nghỉ hưu, ông đã chủ động tìm kiếm công việc phù hợp thông qua người quen, các sàn tuyển dụng và hội nhóm nghề nghiệp nhưng không có kết quả. Nơi thì "chê" ông đã lớn tuổi, nơi thì lo ngại về vấn đề pháp lý khi tuyển lao động đã nghỉ hưu.

Được đánh giá cao về chuyên môn nên khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí vào tháng 7-2024, bà Nguyễn Thị Hồng Vân (57 tuổi; kế toán trưởng một công ty giày da ở huyện Bình Chánh, TP HCM) được chủ DN thuyết phục tiếp tục ở lại làm việc. Cảm thấy còn đủ sức khỏe, muốn gắn bó với nghề và được công ty coi trọng nên bà nhận lời. Mỗi ngày đi làm, ngoài niềm vui lao động, bà Vân cảm thấy bản thân vẫn có ích cho gia đình và xã hội.

Cần có chính sách hỗ trợ căn cơ

Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á. Dữ liệu cư dân quốc gia cho thấy cả nước hiện có 16,1 triệu người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên), chiếm 16% dân số. TP HCM là địa phương có chỉ số già hóa dân số dẫn đầu cả nước, hiện có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 12,05% dân số.

Theo các chuyên gia lao động, tình trạng già hóa dân số ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc khuyến khích người cao tuổi tham gia thị trường lao động sau nghỉ hưu là một giải pháp hữu hiệu, bởi vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động này. Từ đó, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước và từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số. Tuy nhiên, có nhiều lao động cao tuổi còn sức khỏe, muốn tiếp tục làm việc nhưng gặp không ít rào cản.

Từ thực tiễn này, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người cao tuổi. Theo đó, người lao động (NLĐ) là người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được nhà nước hỗ trợ: đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm theo quy định.

Đồng tình đề xuất này, song bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, đề nghị cần quy định cụ thể hơn về chính sách an sinh xã hội đối với NLĐ cao tuổi. Như tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho NLĐ yếu thế, cao tuổi thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng; mở rộng cơ hội cho NLĐ cao tuổi tham gia hệ thống chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già…

Ông Trần Văn Triều - nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, Chủ tịch Hội Luật gia quận 12 - cho rằng nếu những đề xuất tại dự thảo luật nêu trên được thông qua sẽ tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục cống hiến cho xã hội. Để tăng cơ hội việc làm cho đối tượng này, ông Triều đề xuất cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các đơn vị sử dụng nhiều NLĐ cao tuổi. Đồng thời, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề ngắn hạn chuyên biệt thiết thực, có hiệu quả cho lao động cao tuổi... 

Giữ được kết nối xã hội

Theo GS-TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân), việc người cao tuổi tiếp tục làm việc ngoài duy trì lực lượng lao động, đóng góp cho nền kinh tế, bảo đảm thu nhập còn giúp chính họ giữ được kết nối xã hội, giảm nguy cơ sa sút sức khỏe thể chất và tinh thần. Do đó, nếu người cao tuổi còn khả năng cống hiến thì cần tạo điều kiện để họ tiếp tục làm việc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo