Ngoại trừ Đinh Thanh Trung, Quả bóng vàng Việt Nam 2017, phong độ sa sút khi năm nay đã 36 tuổi; hay thủ môn Dương Quang Tuấn và hậu vệ Nguyễn Văn Trường là hai cầu thủ dự bị; thật đáng tiếc khi hai cầu thủ còn lại là hậu vệ Nguyễn Ngọc Thắng và tiền vệ Nguyễn Trung Học đều là cầu thủ tài năng.
Trong đó Thắng là thành viên đội U23 Việt Nam còn Học ở tuổi 25 đã là trụ cột, là "lá phổi" của Hà Tĩnh suốt hai năm qua.
Thật đáng buồn khi đây không phải là lần đầu tiên tệ nạn này xảy ra ở môi trường bóng đá Việt Nam, cũng như đã có không ít bài học để các thế hệ bóng đá Việt Nam (BĐVN) sau này phải nói không với ma túy, cần sa… nói chung là những chất cấm.
Chất cấm là thảm họa
Phan Thanh Tuấn, cầu thủ SLNA, một thời được dự đoán còn tài năng hơn cả danh thủ Nguyễn Hồng Sơn. Thế nhưng cuộc đời và sự nghiệp của anh đã lụi tàn rất nhanh khi trở thành cầu thủ đầu tiên của SLNA bị phát hiện liên qua đến ma túy.
Những năm đầu thế kỷ 21, người hâm mộ BĐVN bắt đầu nhận những thông tin không vui: nhiều cầu thủ trẻ ngã vào chất trắng. Đầu tiên là cầu thủ trẻ Nguyễn Văn Ý bị đuổi khỏi đội bóng xứ Nghệ vì tội ăn cắp và liên quan đến việc nghiện hút trong năm 2004.
Năm 2007, vẫn là cầu thủ SLNA, thủ quân Lưu Văn Hiền của đội U19 bị phát hiện sử dụng ma túy ngay tại phòng riêng. Cũng trong năm này, tiền vệ Nguyễn Xuân Thành (22 tuổi) của Hà Nội ACB bị bắt vì tàng trữ cả chục viên thuốc lắc trong người khi đang chuẩn bị sử dụng ở vũ trường New Century tại Hà Nội.
Đầu năm 2008, tiền vệ SLNA 19 tuổi Hồng Việt bị công an thành phố Vinh bắt khi đang tàng trữ một tép heroin trong người. Hồng Việt là tiền đạo xuất sắc tại giải bóng đá U21 quốc gia 2007 và sau đó được Ban huấn luyện đưa lên đội một.
Dù tài năng của Việt cũng từng được so sánh với Văn Quyến, Quốc Vượng (khi chưa vướng vào sự cố bán độ tại SEA Games 2005), nhưng vì vướng vào ma túy, Việt cùng đồng đội là Văn Hiền đã bị CLB sa thải.
Cũng trong năm 2008, sau khi V-League kết thúc, 5 thành viên đội Xi măng Hải Phòng bị bắt ở bar Friendly đêm 22-8 vì sử dụng ma túy tổng hợp.
Đáng nói hơn là trong số này có cả bác sĩ và HLV phó của đội. Cuộc "ăn chơi" này là cách họ cho là ăn mừng chiến tích hạng 3 V-League 2008.
Hai năm sau, tháng 2-2010, tiền đạo người Argentina Molina của Becamex Bình Dương đã đột tử vì sử dụng ma túy "quá liều" tại một khách sạn ở phường Phạm Ngũ Lão (TP HCM).
Trước cái chết của Molina, khi đó có những đồng nghiệp của Molina cho biết không ít cầu thủ nước ngoài đang thi đấu ở Việt Nam đã sử dụng ma túy.
Lướt nhanh những câu chuyện cũ để có một kết luận chung: không một cầu thủ nào khi đã dính vào chất cấm mà sự nghiệp của họ không lụi tàn. Nhưng đâu chỉ Việt Nam, có không biết bao nhiêu là cầu thủ, thậm chí là danh thủ, là siêu sao bóng đá thế giới cũng "chết" khi vướng vào ma túy.
Với người Việt Nam hâm mộ bóng đá, không ai mà không biết đến "Cậu bé vàng", cố danh thủ Maradona đã kết thúc sự nghiệp cầu thủ khi bị phát hiện dương tính với 5 loại chất cấm và bị trục xuất khỏi vòng chung kết World Cup 1994.
Nhưng đâu chỉ có bóng đá. Quyền Anh cũng nổi lên với những võ sĩ lừng danh rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng cũng chỉ vì ma túy.
Đó là Tyson Fury, võ sĩ tài năng nhất nước Anh, sau khi thống nhất 3 đai vô địch hạng nặng thế giới WBA, IBF và WBO khi đánh bại tay đấm lẫy lừng Wladimir Klitschko vào tháng 11-2015.
Tuy nhiên, chính anh đã tự hủy hoại đời mình. Chính ma túy đã khiến cho Fury rơi vào trầm cảm, khiến cho Fury không thể lên võ đài để bảo vệ các đai vô địch mà anh đã giành được. Chưa đến một năm, từ đỉnh cao danh vọng - thống nhất 3 đai vô địch, được đề cử trao danh hiệu VĐV tiêu biểu của nước Anh - Fury đã rớt xuống vực sâu của thất vọng.
Anh mất 3 -5 năm mới lấy lại được thể trạng cũng như niềm tin của cổ động viên về nghị lực làm lại từ đầu. Nhưng không phải VĐV nào cũng làm được như Fury!
Nên tự trách bản thân!
Khi BĐVN chuyển đổi từ mô hình bao cấp qua bán chuyên nghiệp năm 2000 rồi sau đó là chuyên nghiệp, cũng là lúc cầu thủ Việt một thời đá bóng chủ yếu vì đam mê đã nhanh chóng chuyển qua đời sống xa hoa. Những cuộc chuyển nhượng với mức phí lên đến hàng tỉ đồng cùng mức lương lên đến vài chục triệu đồng có khi là cả trăm triệu đồng mỗi tháng, đó là chưa tính tiền thưởng… đã khiến cho không ít cầu thủ choáng ngợp và dễ dàng rơi vào cảnh ăn chơi, thác loạn nếu không biết giữ mình.
VFF, VPF và ngay cả lãnh đạo các CLB rất nghiêm khắc và có những án phạt rất nặng với bất kỳ ai liên quan đến ma túy. Bởi cầu thủ là người của công chúng, thậm chí có những người nổi tiếng đã trở thành thần tượng của giới trẻ, thì lại càng phải xử nặng để răn đe.
Vấn nạn này, không thể trách cứ hay đổ lỗi cho bất kỳ ai khi nó đã, đang và vẫn sẽ tồn tại trên khắp thế giới, ở mọi lĩnh vực chứ không riêng gì thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.
Sẽ có những ai đó cho rằng do những cầu thủ vướng vào ma túy vì họ không ở môi trường tốt và thiếu sự quan tâm, hay không có được nền tảng giáo dục đủ tốt từ gia đình cho đến nơi chốn sinh hoạt, làm việc.
Thế nhưng đừng quên, cả thế giới này đã tuyên truyền, đã có không biết bao nhiêu là hoạt động… kêu gọi mọi người tránh xa chất chấm. Không chỉ đón nhận lý thuyết, hình ảnh mà mọi người cũng dễ dàng nhận thấy khi đã vướng vào ma túy thì: sống mà như đã chết!
Do đó, những cầu thủ nào đã sử dụng chất cấm và tệ hơn là tàng trữ, tổ chức sử dụng thậm chí buôn chất cấm, thì nên tự trách bản thân.
Tại sao? Vì rằng các cầu thủ đã không giữ được mình khi họ may mắn có điều kiện sống tốt hơn rất nhiều người khác. Chỉ cần họ tự ý thức chịu nhìn xuống và nhìn xung quanh sẽ thấy có rất nhiều người, rất nhiều hoàn cảnh còn khốn khó cần được giúp đỡ. Chứ không phải chỉ biết vung tiền vào chất cấm!
Điều quan trọng hơn hết mà chúng tôi muốn nhắn gởi ở đây: Các cầu thủ, trước khi dính đến ma túy, nếu không nghĩ đến bản thân hay xã hội, thì cũng nên nghĩ đến bố, đến mẹ, đến người thân và nhất là đến vợ, con nếu đã lập gia đình!
Bình luận (0)