xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giá điện liên tục tăng và câu hỏi để ngỏ

Thùy Dương

(NLĐO) - Cơ chế nào để ngành điện thoát tình trạng “thiếu trước hụt sau”, thua lỗ rồi dồn gánh nặng lên giá điện và người tiêu dùng?

Hai lần tăng giá điện lần lượt 3% và 4,5% vào tháng 5 và tháng 11-2023 cùng lần tăng cách đây ít ngày với mức 4,8%, đã đẩy giá điện từ 1.920,3 đồng lên 2.103,11 đồng/KWh.

Giá điện trong 2 năm đã tăng 3 lần giữa bối cảnh nền kinh tế còn chưa hết di chứng nặng nề của đại dịch COVID-19 đã phải đối mặt với thách thức mới từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược ngày càng gắt gao.

Nhiều doanh nghiệp chưa phục hồi đơn hàng hoặc có phục hồi nhưng chi phí sản xuất cao trong khi giá bán không thể tăng, thậm chí giảm. Đặc biệt là với những lĩnh vực sản xuất chịu tác động tiêu cực bởi tăng giá điện do nhu cầu sử dụng điện rất cao như sắt, thép, xi-măng..., nếu chi phí tăng thêm không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng thì lợi nhuận sẽ sụt giảm.

Chưa kể, giá điện bất ngờ tăng cũng khiến doanh nghiệp bị động trong việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đàm phán đơn hàng. Doanh nghiệp sẽ chật vật hơn nhiều và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn sẽ ra sao?

Giá điện liên tục tăng và câu hỏi để ngỏ - Ảnh 1.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 11-10-2024

Về phía người tiêu dùng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định lần tăng giá điện này chỉ ảnh hưởng "vừa phải" tới nhóm khách hàng phổ biến. Theo EVN, 17,41 triệu hộ sử dụng điện từ 200 KWh/tháng trở xuống - tương đương 61,35% tổng số hộ - chỉ phải chi trả tiền điện tăng thêm trung bình 13.800 đồng/hộ.

Đúng vậy! Nhưng ngành điện quên rằng họ là đối tượng tiêu dùng cuối cùng, sẽ gánh toàn bộ tác động của giá điện tăng lên tất cả hàng hóa, dịch vụ khác?

Miếng thịt, con cá, mớ rau... ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoàn toàn có thể tăng giá khi các khâu từ giết mổ, sản xuất đến bảo quản, khâu nào cũng phải sử dụng điện. Rồi không ít cơ sở kinh doanh tự do "té nước theo mưa", vin vào giá điện tăng để tăng giá sản phẩm, dịch vụ với mức cao hơn nhiều so với tỉ lệ tăng giá điện trong giá thành, song không dễ kiểm soát.

Giá điện chỉ tăng mà không giảm? Câu hỏi được người dân, các hộ sử dụng điện đặt ra đã nhiều năm. Lần này, quyết định tăng giá điện được đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN đang rất khó khăn - năm 2023 ghi nhận lỗ gần 22.000 tỉ đồng từ sản xuất - kinh doanh điện, con số lỗ của năm 2022 là gần 36.300 tỉ đồng.

Giá điện liên tục tăng và câu hỏi để ngỏ - Ảnh 2.

Giá bán lẻ điện được điều chỉnh từ năm 2009 đến nay

Gửi phản ánh đến Bộ Công Thương mới đây, cử tri nhiều địa phương bày tỏ băn khoăn khi "nhà đèn" liên tục tăng giá điện do thua lỗ. Trả lời cử tri, Bộ Công Thương khẳng định việc điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 theo đúng quy định, phản ánh đúng chi phí sản xuất - kinh doanh. Thế nhưng, chi phí sản xuất, cung ứng điện đã thật sự hợp lý chưa, vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Theo giải thích của EVN, chi phí sản xuất - kinh doanh điện năm 2023 tăng thêm 35.338,94 tỉ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022, chủ yếu do chi phí phát điện tăng bởi phải huy động những nguồn có giá thành cao hơn thủy điện như điện than, năng lượng tái tạo, điện chạy dầu...

Khi chi phí tăng cao, giá điện tăng là khó tránh, nhưng điều này đụng chạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Còn nếu không tăng, ngành điện không có nguồn để đầu tư, nguy cơ thiếu điện rình rập còn gây nguy hại hơn đến nền kinh tế.

Phải nhìn thẳng vào thực tế rằng một doanh nghiệp nhà nước vừa ôm nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh vừa gánh trách nhiệm an sinh xã hội thì sẽ phải loay hoay bảo đảm các mục tiêu. Khi xảy ra tình huống thua lỗ, "thiếu trước hụt sau", việc xử lý sẽ không thể chu toàn.

Giải pháp nào cho hàng loạt bài toán ngổn ngang của ngành điện?

Đó là nhà nước và ngành điện thay vì mãi loay hoay việc tính toán nguồn điện, giá thành điện thì cần tìm ra cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ nguồn, thậm chí lưới điện.

Đó là mạnh dạn đưa tư nhân vào những khâu, lĩnh vực mà nhà nước không bắt buộc phải nắm giữ - như truyền tải điện, theo tinh thần sửa đổi Luật Điện lực - để được san sẻ gánh nặng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Đó là phân định lằn ranh rạch ròi giữa sản xuất - kinh doanh với an sinh xã hội, hay nói cách khác là xây dựng một thể chế để EVN không phải thực hiện quá nhiều mục tiêu, dẫn đến giá điện méo mó, phải bù chéo.

Nếu EVN vẫn mãi ôm đồm nhiều nhiệm vụ thì khó lòng bảo đảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh, kéo giảm uy tín tài chính, ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư, khi đó tất cả gánh nặng đặt lên giá điện, lên người tiêu dùng và nền kinh tế.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo