Đã không có lý do "Tết nhất mà" được thông cảm và chấp nhận bỏ qua lỗi vi phạm giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua.
Con số hàng chục nghìn trường hợp bị xử lý bao gồm vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, lấn làn, nồng độ cồn…Cùng với đó, 3 tiêu chí số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương được kéo giảm đáng kể đang chứng minh Luật đường bộ, Nghị định 168/2024 "ghi điểm".
Tin báo qua đường dây nóng, hệ thống camera rải khắp cùng tinh thần thực thi luật pháp nghiêm chỉnh từ 2 phía người dân lẫn lực lượng chức năng là 3 trong nhiều yếu tố làm nên kết quả trên. Hai đô thị Hà Nội, TP HCM với đặc điểm đa dạng thành phần dân cư đang thể hiện tốt vai trò tiên phong và nổi bật khi khai thác tốt cả 3 yếu tố ấy.
Dù vậy, thực tế khó phủ nhận đó là còn những câu chuyện đáng tiếc xuất phát từ sự mơ hồ trong nhận thức dẫn tới lối hành xử khá hoang dã.
Mới nhất là vụ việc xảy ra ở huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định (ngày 1-2), khi xô xát được cho là khởi đầu bởi cách hiểu về thứ tự xếp hàng lúc lên phà Cồn Nhất.
Hay trước đó, hôm 22-1, nam TikToker hơn 1 triệu người theo dõi trong lúc say xỉn không chấp hành việc kiểm tra, còn "vặn vẹo, đấu lý" với cảnh sát bằng vô số lời lẽ ngây ngô.
Hoặc ở Bình Dương cuối tháng 12-2024, vì va chạm nhỏ rồi thay vì phân định theo luật thì người đàn ông quê An Giang dùng bạo lực giải quyết khiến một gia đình mang tang tóc.
Xa hơn chút nữa là giữa tháng 12-2024, trước Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM. Sau đôi co chuyện di chuyển, nam tài xế ô tô ra tay hành hung người đi xe máy đến nhập viện…
Trong những câu chuyện trên, bên cạnh việc văn hóa giao thông bị thói ngông cuồng "chèn ép", tâm lý "thích thì làm, ta là ông giời", thái độ xem nhẹ cùng bất chấp hậu quả… thì những kiến thức hời hợt về luật pháp trong não trạng nhiều cá nhân đã mất hẳn vai trò là chiếc phanh hãm lại lối ứng xử phi chuẩn mực.
Đáng buồn cho họ nhưng… may mắn cho xã hội là phản ứng rất nhanh chóng, quyết liệt từ lực lượng chấp pháp để qua đó buộc những suy nghĩ kiểu "rừng rú" trả giá tức thời.
Tuy thế, dù gì thì đó cũng là những chuyện không vui, nhất là dịp Tết đến xuân về.
Giải pháp khả thi để hạn chế tới mức thấp nhất là song song với xử lý nghiêm khắc từ hành chính tới hình sự hành vi vi phạm, công tác tác động để mọi công dân tường minh hơn mọi quy định pháp luật thông qua hệ thống tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo nên được chú trọng thêm.
Có như thế, những lằn ranh về cách hiểu và tuân thủ luật pháp nói chung, pháp luật giao thông nói riêng sẽ rõ ràng để không ai có thể viện cớ "chưa nắm rõ" hoặc "nhất thời nông nổi" mà làm càn!.
Đó cũng là cách để các thiết chế lan tỏa, thấm vào cuộc sống nhẹ nhàng mà hiệu quả nhất.
Bình luận (0)