Vấn đề ở đây có liên quan đến lô đất 7.662 m2 tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Về mặt pháp lý, lô đất này do Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại TP Hà Nội đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng là đơn vị đại diện thực hiện các thủ tục và theo dõi chi phí của dự án.
Theo một văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vào năm 2010, Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại TP Hà Nội có hợp đồng góp vốn theo hình thức tài sản đồng kiểm soát với Công ty Cổ phần học liệu giáo dục tại Hà Nội, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội, Công ty Cổ phần sách thiết bị giáo dục Miền Bắc và Công ty Cổ phần sách giáo dục tại TP Hà Nội để cùng thực hiện dự án xin cấp đất mở rộng mặt bằng sản xuất tại khu đất 7.662 m2 nói trên.
Các bên góp vốn sẽ được sử dụng sản phẩm là một phần diện tích của khu đất tương ứng với tỉ lệ góp vốn so với tổng mức vốn đầu tư của dự án. Tổng vốn góp dự kiến là 7,662 tỉ đồng.
Trong 5 doanh nghiệp trên, phần góp vốn của Công ty Cổ phần sách giáo dục tại TP Hà Nội là 25%, tương đương hơn 1,915 tỉ đồng. Riêng phần tham gia đầu tư của Công ty Cổ phần học liệu giáo dục Hà Nội sau đó được chuyển giao lại toàn bộ cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Sau 3 năm có hợp đồng góp vốn (2013), 5 công ty thống nhất tiếp tục thực hiện dự án và cùng nhau đóng góp kinh phí để thực hiện các giai đoạn còn lại của dự án.
Tuy nhiên, theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, đến thời điểm cuối năm 2023, khu đất trên thuộc diện không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất quá 24 tháng kể từ khi nhận bàn giao đất.
Tháng 5-2020, TP Hà Nội có quyết định gia hạn cho Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại TP Hà Nội với thời hạn gia hạn sử dụng lô đất 24 tháng (tức đến tháng 5-2022) và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án.
Đáng chú ý là sau 13 năm, ít nhất 3/5 doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục tìm cách chuyển nhượng vốn góp hoặc tài sản trên đất ở dự án của Công ty Cổ phần in sách giáo khoa tại Hà Nội, trên lô đất 7.662 m2 thuộc huyện Đông Anh.
Thông tin việc chuyển nhượng vốn góp 25% trên được đưa ra báo cáo tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Công ty Sách giáo dục tại Hà Nội đầu năm 2023. Và cũng tại đại hội này, HĐQT Công ty Sách giáo dục tại Hà Nội gây chú ý với việc trình ĐHCĐ thông qua việc cho Công ty Cổ phần Năng lượng EBS Solar Việt Nam vay số tiền hơn 59,7 tỉ đồng, lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính năm gần nhất (năm 2022).
Tuy nhiên, tại ĐHCĐ ngày 18-4-2023, ông Tô Thanh Bình - Ủy viên HĐQT Công ty và là người đại diện ủy quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không đồng ý với chủ trương này.
Theo biên bản tại ĐHCĐ, ông Tô Thanh Bình không đồng ý thông qua việc công ty cho vay số tiền lớn hơn 35% tổng tài sản ghi trên báo cáo tài chính năm 2022, nhưng khi biểu quyết, ĐHCĐ Công ty Sách giáo dục tại Hà Nội năm 2023 vẫn thông qua được việc cho vay số tiền lớn hơn 35% tổng tài sản nói trên, dù tỉ lệ tán thành đạt 68% và tỉ lệ không tán thành là 32%.
Số tiền vay nói trên chiếm tới gần 40% tổng tài sản của công ty đến thời điểm ngày 31-12-2022 là hơn 149,4 tỉ đồng.
Số tiền vay lớn này không bình thường, bởi ông Ngô Trọng Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sách giáo dục tại Hà Nội cũng chính là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng EBS Solar Việt Nam. Và ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Sách giáo dục tại Hà Nội cũng chính là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng EBS Solar Việt Nam.
Tiền từ tay phải chuyển qua tay trái, có đúng luật hay không, là câu hỏi các cơ quan chức năng cần trả lời sớm. Và rồi số phận của lô đất trên sẽ đi về đâu? Thực tế đúng theo quy định của pháp luật lô đất 7.662 m2 nói trên cần được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội thu hồi gấp, bởi đã quá thời gian "ân hạn" (tháng 5-2022).
Bình luận (0)