Hai hộ dân nuôi nhốt 17 con hổ tại nhà xảy ra ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhưng chính quyền địa phương không biết. Khi cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An lập chuyên án, đấu tranh với loại tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm mới phát hiện, khởi tố.
Câu hỏi đặt ra: Với quy mô nuôi nhốt số lượng lớn, đối tượng này lại có thể dễ dàng qua mặt chính quyền địa phương?
Câu chuyện ông Nguyễn Văn Hiền ngụ ở xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghê An nuôi nhốt trong nhà 14 con hổ, mỗi con trọng lượng khoảng 200kg/con. Cũng tại xã này, Cơ quan điều tra công an tỉnh Nghệ An còn phát hiện hộ bà Nguyễn Thị Định nuôi nhốt 3 con hổ, trọng lượng từ 225-265kg/con. Chồng bà Định là công an viên xã Đô Thành phụ trách xóm Phú Xuân, nơi bà Định cư trú.
Để xảy ra việc nuôi hổ trái phép với quy mô lớn trên địa bàn khu dân cư, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Nếu chính quyền địa phương làm đúng trách nhiệm thì không thể xảy ra câu chuyện kỳ lạ này.
Đại diện UBND huyện Yên Thành trả lời báo chí cho biết sẽ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan khi có kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An (?!).
Xin thưa, tại sao phải chờ đến khi có kết luận mà không làm rõ trách nhiệm ngay lúc này, để trả lời công luận?
Kế đến là lực lượng kiểm lâm mà cụ thể là Hạt kiểm lâm huyện Yên Thành cũng cần phải giải trình trách nhiệm. Theo đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An trả lời báo chí, trước khi vụ án bị phát hiện, Hạt kiểm lâm huyện Yên Thành phối hợp với cơ quan chức năng của huyện nhiều lần đi kiểm tra nhưng không phát hiện việc người dân nuôi hổ.
Câu chuyện nghe qua thật hài hước. Hơn một chục con hổ, con nào cũng từ 200kg trở lên chứ có phải con kiến đâu mà "nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện được...". Nếu đúng là có đi kiểm tra nhưng không phát hiện được thì phải coi lại năng lực của các đoàn kiểm tra để có hình thức xử lý.
Với một sự việc rất nghiêm trọng như thế, không thể chỉ truy trách nhiệm phía người vi phạm. Điều dư luận cần là phải truy tận cùng các cá nhân, cơ quan có trách nhiệm.
Đối với việc 8/17 con hổ bị chết sau khi cơ quan chức năng phát hiện, gây mê càng cần được làm rõ trách nhiệm. Theo điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, vật chứng của vụ án là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Với quy định này, số lượng hổ bị phát hiện, thu giữ được xác định là vật chứng của vụ án và được bảo quản, xử lý theo quy định tại điều 90, 106 BLTTHS.
Điều 90 BLTTHS quy định: "Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng ...". Trường hợp người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để hư hỏng, mất mát… thì tùy tính chất sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 2 điều 90 BLTTHS). Đối với vật chứng là đông vật hoang dã, được bảo quản, xử lý theo điểm d Khoản 3 điều 106 BLTTHS. Điều luật này quy định: "Vật chứng là động vật hoang dã, thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật".
Theo thông tin từ báo chí, số lượng hổ được xác định là vật chứng vụ án được gây mê, giao cho Khu sinh thái Mường Thanh, Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An chăm sóc trong thời gian phục vụ công tác điều tra. Quá trình vận chuyển, 8/17 con hổ đã chết. Như vậy là gần một nửa số lượng vật chứng vụ án đã chết.
Nói thẳng, còn chần chừ gì nữa mà không đặt ra trách nhiệm về việc để xảy ra sự cố gần một nửa số lượng vật chứng đã bị chết. Việc gây mê, vận chuyển này có phù hợp với quy định của BLTTHS về bảo quản, xử lý vật chứng? Ai là người chịu trách nhiệm để xảy ra sự cố này?
Dư luận đang chờ câu trả lời công tâm, trách nhiệm từ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An!
Bình luận (0)