Cụ thể là, theo nghị định, nếu các chức danh có tiêu chuẩn xe công mà không dùng đến, tự nguyện nhận khoán kinh phí thì sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn (xe công) nhưng áp dụng khoán kinh phí sử dụng ôtô cho toàn bộ công đoạn thì không trang bị xe phục vụ nữa.
Tự nguyện nhận khoán kinh phí xe công là điều cần khuyến khích nhưng e rằng xa rời thực tế, bởi từ 2 năm trước đã được kêu gọi nhưng tới nay dường như không thành công; số liệu tổng kết cho thấy lợi ích tiết kiệm được không như mong đợi, số nơi hưởng ứng chưa nhiều và những người trong cuộc cũng có "tâm tư" khó nói...
Còn nhớ, gần 4 năm trước, vào tháng 8-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý và sử dụng ôtô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đây là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương khoán xe công. Đầu tháng 10-2016, Bộ Tài chính tiên phong thực hiện khoán xe công với toàn bộ 6 thứ trưởng cùng cấp trưởng của các tổng cục và ủy ban thuộc bộ. Mỗi người được khoán tiền thuê taxi đưa đi làm 1 ngày 2 lượt, mỗi tháng 22 ngày làm việc. Sau Bộ Tài chính, việc khoán xe công được nhân rộng ra khoảng 20 bộ - ban - ngành và tỉnh - thành. Nhưng ngặt nỗi là theo thời gian, lượng xe công mua mới vẫn tăng, cả ngàn chiếc và theo đó chi ngân sách cũng tăng. Đáng nói là tình trạng lạm dụng xe công vẫn không dứt mà trường hợp xe biển xanh vào tận cầu thang máy bay đón vợ một bộ trưởng mới đây là một ví dụ.
Chiếc ôtô dù đáng giá đến mấy, xét cho cùng, cũng chỉ là phương tiện. Hầu hết quan chức hiện nay đã thừa điều kiện sắm ôtô lẫn thuê tài xế riêng nhưng họ vẫn chuộng xe công, phần vì quyền lực vô hình của nó. Quyền lực nằm ở cái biển số màu xanh. Từ đây có thể làm được nhiều chuyện khác ngoài công vụ, bên cạnh mục đích đâu tiên là giải quyết khâu oai! Chính vì mang tư tưởng như vậy nên nhiều chức danh không muốn buông xe công, thậm chí có người đã về hưu và thuộc diện phải trả xe (lẫn tài xế) mà không chịu trả, khiến cuộc vận động nhận khoán kinh phí xe công chưa đi vào thực chất.
Sử dụng công sản dẫu có quy định chi tiết mà thực hiện còn khó như thế thì nói gì đến việc kêu gọi sự tự giác. Thực ra, nếu mọi chức danh đều tuân thủ nghiêm quy định về công sản và làm tốt chức trách của mình thì đâu ai tiếc gì khoản chi cho phương tiện đưa rước họ đi lại để phục vụ công việc; đằng này, không ít người "sáng cắp ô đi, chiều cắp về" mà vẫn vi vu xe sang thì rất khó có thể chấp nhận.
Do vậy, quy định về tiêu chuẩn xe công là một lẽ, cơ chế giám sát việc sử dụng xe công mới thật quan trọng, quyết định tới sự hiệu quả của chính sách, đức hạnh của cán bộ lãnh đạo và uy tín của bộ máy công quyền.
Bình luận (0)