Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-4.
Chuyện đã xảy ra đúng một tuần. Hôm 30-3, ba xe đầu kéo chở ba cây quá khổ về chiều dài, chiều cao và quá tải vượt qua nhiều chốt trạm từ Đắk Lắk ra hướng Bắc, khi đến xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc thì bị CSGT Thừa Thiên - Huế phát hiện, xử phạt gần 82 triệu đồng.
Từ đây mới lòi ra chuyện ba cây "khủng" (nhiều chỗ gọi là cây "quái thú") này có gốc tích từ đâu, công ty nào nhận vận chuyển, chuyển đi đâu, ai nhận...
Có thông tin ban đầu rằng ba cây này là của thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - nguyên phó cục trưởng Cục CSGT, mới nghỉ hưu. Song, ông Dánh và chủ xe sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin.
Trong lúc còn nghi hoặc về chủ nhân của ba cây "khủng" thì vẫn còn hai điều tù mù khác cần làm rõ, có tính quyết định đến bản chất sự việc. Đó là những cây này có phải là lâm sản khai thác trái phép hay không và vì sao ba cây quá khổ, quá tải rõ ràng như thế mà băng băng qua tất cả các chốt chặn giao thông, mãi đến Thừa Thiên - Huế thì mới bị vịn và phạt?
Làm rõ gốc tích ba cây này, quá dễ với ngành Kiểm lâm. Trả lời vì sao chở ba cây "khủng" quá khổ, quá tải mà vẫn "xe ta bon bon dặm đường", cũng quá dễ với CSGT các tỉnh, thành. Dễ nhưng khó nói ra, nếu là cây của nguyên thủ trưởng Nguyễn Hữu Dánh thì càng khó nói.
Không phải ông Dánh thì nhất quyết chủ nhân phải là một người có thế lực, địa vị mà lực lượng CSGT nhiều tỉnh, thành biết và răm rắp nghe theo.
Muốn CSGT các tỉnh, thành lên tiếng thì có khó gì. Cấp trên yêu cầu cho biết là phải trả lời. Nhưng người ta muốn giấu giếm, định đánh chìm sự việc, cho dù báo chí và dư luận đã liên tục lên tiếng. Từ kênh thông tin chính thống của báo chí, Chính phủ đã lắng nghe và chỉ đạo làm rõ.
Trong vụ này và ở nhiều trường hợp tương tự mà Chính phủ đã lên tiếng chỉ đạo, người dân quan sát thấy cả và mang tâm trạng vừa vui vừa buồn. Vui là bởi Chính phủ sâu sát với quốc kế dân sinh, năng động và đúng nghĩa "phục vụ", "hành động". Buồn là vì qua đó cho thấy tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; nhiều bộ - ngành, địa phương rề rà, thờ ơ, chờ thúc mới làm.
Vụ vận chuyển ba cây "khủng" này chẳng phải phức tạp đến mức không thể làm rõ, không thể xử lý. Thậm chí, đây là một vụ đơn giản. Thay vì chủ động phối hợp để làm rõ trong 1-2 ngày là có kết quả để trả lời công luận và xử lý, ba bộ Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an phải chờ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực. Như vậy, đến 15-4, tức là phải chờ đến 10 hôm nữa, vụ việc này mới có cơ may được sáng tỏ.
Nhìn rộng ra nhiều vụ việc khác bị các bộ - ngành, địa phương đùn đẩy lên Chính phủ để xin ý kiến hoặc chờ Thủ tướng chỉ đạo, mới thấy sức ì trong bộ máy hành chính công ở ta còn rất lớn. Rất nhiều nơi hoặc không nắm rõ thẩm quyền của mình hoặc sợ trách nhiệm hoặc vô trách nhiệm đã tự biến mình thành "tiền vệ kiến thiết", chỉ chuyên "chuyền bóng" cho vị trí khác quyết định.
Nếu thấy không đủ năng lực, không đủ sự tự tin và quyết đoán để chỉ đạo xử lý công việc thì nên rút lui, nhường ghế cho người khác đủ năng lực và trách nhiệm hơn, chứ đừng đẩy lên trên hoặc ngồi ì một chỗ, chẳng chuyển động gì. Thủ tướng và Chính phủ trăm công ngàn việc rồi, nếu quyết luôn những vụ việc thuộc thẩm quyền của cấp dưới thì thời gian, công sức đâu mà làm. Và như vậy thì đâu cần "bày" ra cấp dưới cho dềnh dang làm gì nữa!
Chợt nhớ lời cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh. Sinh thời, tại buổi nói chuyện với 1.000 cán bộ - công chức Đà Nẵng vào ngày 24-7-2003, ông ví von: "Ở rạp xiếc, người ta cho mấy con thú ăn hột gì đó thì nó diễn. Một lúc sau lại ngồi lì ra, quất mấy roi cũng không đi, khi nào được ăn thứ hột đó nó mới diễn tiếp. Hãy cẩn thận kẻo mình lại giống như mấy con ở rạp xiếc, không cho ăn là không làm".
Bình luận (0)