Ngày 4-4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đang làm rõ nguồn gốc và các hồ sơ liên quan đến 3 cổ thụ "khủng" bị CSGT tỉnh này bắt giữ khi vận chuyển ra Bắc hôm 30-3.
Nguồn thông tin cho biết Phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế đang làm việc, yêu cầu người xưng là đại diện chủ lô hàng nói trên bổ sung hồ sơ, kê khai đầy đủ nguồn gốc...
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào ngày 3-4, có người xưng là chủ lô hàng này đã đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế xin làm việc. Tại đây, người này đã trình ra 2 bộ hồ sơ liên quan đến 3 cây "quái thú" nhưng đều là bản photocopy nên đã bị Chi cục Kiểm lâm từ chối làm việc.
Các cây đa có hình dạng giống "quái thú" đang bị tạm giữ
Theo bộ hồ sơ đầu tiên mà người này xuất trình, 1 cây được khai thác từ đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng (SN 1967; ở xã EaPil, huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 12-3, ông Thướng nộp bản đăng ký khai thác kèm hồ sơ - bản xác nhận cây còn sót lại, bản dự kiến sản phẩm khai thác, giấy xác nhận đất sản xuất, sơ đồ vị trí khu đất sản xuất - lên UBND xã EaPil.
Trong bản đăng ký khai thác, ông Thướng nói rằng khu đất số 64, tờ bản đồ số 69 với diện tích gần 130.000 m2 ở thôn 3, xã EaPil của ông hiện trồng cây lâu năm và có một cây đa sộp, ảnh hưởng đến canh tác nên muốn khai thác cây này làm bóng mát.
Cùng ngày, ông Thướng cũng làm đơn gửi Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrăk xin xác nhận khai thác và vận chuyển. Nội dung khai thác là để tặng anh Lương Anh Tuấn đem về xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội làm bóng mát. Trong bộ hồ sơ, ông Thướng khai cây đa có đường kính khoảng 2 m, chiều dài đến cành chừng 5 m.
Đến ngày 21-3, Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrăk đã kiểm tra và kết luận cây đa sộp này đường kính 1,8 m, ngọn 65 cm, dài 8 m, khối lượng trên 9 m3. Hạt Kiểm lâm M’Đrăk yêu cầu ông Thướng hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ liên quan theo quy định trước khi khai thác và vận chuyên cây này.
Theo bộ hồ sơ còn lại, 2 cây khác được khai thác tại vườn nhà bà Yô Na Buôn Ya ở xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Vào ngày 23-3, bà Yô Na Buôn Ya có làm bản kê khai đăng ký khai thác 2 cây đa sộp đều có đường kính 1,4 m, cao 12 m gửi UBND xã Ea Hồ và được xã này xác nhận. Cùng ngày, UBND xã ký xác nhận ông Đinh Công Quân (trú tại Thạch Thất, Hà Nội) được vận chuyển 1 cây mua từ nhà bà Yô Na Buôn Ya về Hà Nội để làm bóng mát ở ngôi chùa tại huyện này.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã từ chối làm việc bởi các hồ sơ nêu trên không có giá trị pháp lý.
Trong khi đó, báo cáo nhanh của Hạt Kiểm lâm Krông Năng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết đã xác minh một cây đa sộp là của ông Nguyễn Ngọc Chung (thôn Giang Hòa, xã Tam Giang, huyện Krông Năng). Biên bản làm việc của Hạt Kiểm lâm Krông Năng lập ngày 2-4 và có sự xác nhận của UBND xã Tam Giang.
Một cây đa "khủng" đang bị tạm giữ
Nội dung biên bản khẳng định sau khi nhận được đơn của ông Chung về việc xin phép khai thác và vận chuyển 1 cây đa sộp, ngày 5-3, UBND xã Tam Giang kiểm tra thực tế. Theo biên bản, cây đa này cao khoảng 14 m, đường kính gốc 1,3 m. Vì cây đa lớn, choán diện tích nên ông Chung muốn bứng cho một nhà chùa ở Hà Nội nhưng không rõ chùa gì. Phía nhà chùa sau khi bứng cây phải có trách nhiệm san ủi mặt bằng cho gia đình ông Chung.
Đến tối 30-3, Trạm CSGT Phú Lộc, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ xe, tài xế do liên quan việc 3 ô tô đầu kéo chở 3 cổ thụ này với tổng số tiền 81,7 triệu đồng. Doanh nghiệp vận chuyển các cây "quái thú" được xác định là Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn, có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình.
Sau đó, các xe này di chuyển về đường tránh Quốc lộ 1 qua TP Huế, đoạn ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy và hạ tải 3 cổ thụ xuống một bãi đất trống.
Bình luận (0)