Như vậy, tính đến thời điểm này đã là 8 lần tài xế sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm.
Giới tài xế tung tin họ vẫn tiếp tục sử dụng hình thức này đến khi nào có kết quả cụ thể là di dời trạm về vị trí tuyến tránh nằm cách đấy 10 km.
Đặc biệt, lần này số lượng các ô tô chuyên chở công nhân đã có nhiều xe chuyển từ hình thức mua vé tháng qua vé lượt, tức là chấp nhận thua thiệt gấp 4 lần để sử dụng phương pháp trả tiền lẻ mua vé khi qua BOT Biên Hòa.
BOT Biên Hòa do Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư, đặt trên QL1, đoạn thuộc xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Dự án được hoàn thành và đưa vào thu phí chính thức từ ngày 6-7-2014 theo hình thức BOT với mức thu phí thấp nhất là 20.000 đồng cho 1 đầu xe tiêu chuẩn. Đến ngày 15-12-2016 thì tăng mức thu phí đối với 1 đầu xe tiêu chuẩn từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng và mức thu cao nhất là 180.000 đồng (theo Thông tư số 318/2016/ TT-BTC), với thời gian thu phí được cấp phép là 10 năm 2 tháng.
Có thể nói hình thức phản đối chủ đầu tư của tài xế tại BOT Biên Hòa được coi như là bản sao của BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Nhưng thực tế, BOT Cai Lậy mới là bản sao dự án kiểu thi công tuyến tránh cộng thêm sửa chữa, nâng cấp mặt QL để hợp thức hóa vị trí đặt trạm thu phí trên tuyến QL.
Vấn đề nhìn nhận ở đây là cách xử lý sau những lần phản đối bằng hình thức sử dụng tiền lẻ của 2 trạm thu phí BOT Biên Hòa và Cai Lậy. Nếu như BOT Cai Lậy sau vài ngày cố thủ đã xả trạm tới thời điểm bây giờ (gần 2 tháng) thì BOT Biên Hòa trong một thời gian dài vẫn cương quyết đối phó bằng hình thức không xả trạm dù có xảy ra ùn tắc. Đặc biệt, ảnh hưởng rất lớn đến giờ giấc đi làm của công nhân ở các KCN ở gần trạm.
Đến hôm nay, 5-10, thì không thể chịu nổi, phải xả trạm sau 3 phút rối loạn!
Điều đáng nói nữa ở đây là theo ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, từ tháng 6-2017, đơn vị này cùng với UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ GTVT kiến nghị xét giảm giá vé chung cho các loại phương tiện mua vé qua trạm cũng như có hình thức miễn phí với các phương tiện có hộ khẩu bán kính 5 km xung quanh trạm, đồng thời giảm giá vé cho các phương tiện xe buýt và xe chở công nhân, học sinh.
Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa nhận được văn bản trả lời từ Bộ GTVT nên hiện chưa có phương án xử lý.
Mặc dù Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm chính với cương vị là chủ quản cấp phép dự án, phê duyệt vị trí đặt trạm nhưng mỗi lần tổ chức họp báo bàn về vấn đề này, lãnh đạo bộ chỉ nói chung chung, có thừa nhận sai sót, trách nhiệm; còn giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm thì chưa đưa ra.
Thời đại bây giờ, đâu nhất thiết phải mất nhiều thời gian đi lại, tập trung cho các cuộc họp, Bộ GTVT có thể mở gấp một cuộc họp trực tuyến với Cục Quản lý đường bộ, UBND tỉnh và chủ đầu tư, gấp rút đưa ra một phương án cụ thể ngay trước mắt như giảm giá vé cho các loại phương tiện lưu thông qua trạm.
Có hình thức miễn giảm tối đa đối với các phương tiện như xe buýt và xe chuyên chở công nhân, học sinh. Rà soát các phương tiện có hộ khẩu xung quanh trạm bán kính 5 km để làm thủ tục miễn phí trong thời gian đợi kết luận thanh tra của các cơ quan chức năng. Sau khi có kết luận chính thức từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra thì sẽ bàn tới giải pháp mua lại một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc di dời trạm thu phí về vị trí tuyến tránh. Còn không thì ngày nào cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt từ giới tài xế đến người dân trong khu vực, cũng như dư luận cả nước. Đây lại là khu vực tập trung rất nhiều các công ty trong khu công nghiệp, tạo ra một hình ảnh rất xấu đối với môi trường đầu tư của địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tình hình căng thẳng lắm rồi, Bộ GTVT có biết không?
Tài xế dùng tiền lẻ trả tiền phí qua trạm BOT Biên Hòa sáng 5-10. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Bình luận (0)