Khi người thân yêu của ta đang ở bên trong phòng cấp cứu hay phòng mổ, ta mới biết tình yêu quí vô biên mình gửi vào người bác sĩ; rằng ta bỗng dưng thấy mình nhỏ bé trong bàn tay từ mẫu ấm áp đang vỗ về, che chở.
Thầy thuốc là nghề duy nhất trên thế gian này mà trước khi đào tạo ra trường họ đều phải đọc Lời Thề, trong đó có câu chữ: "Trên hết là vì con người", "Cứu người". Đó là viên thuốc đầu tiên và thiêng liêng mà thầy thuốc phải uống.
Đâu phải ngẫu nhiên mà người đời gọi người hành nghề y là "thầy". Nó hóa thiêng, cao cả, mà thế nhân thường bảo là y đức, y đạo. Hippocrates, cha đẻ nền y học hiện đại ngày nay, từ hơn 400 năm trước Công nguyên đúng là một bậc hiền nhân thức giả khi đưa Lời Thề đó vào trong máu huyết, không gian trường y, nghề y và biến nó thành định đề sứ phận nghề này.
Những bác sĩ mang trái tim từ tâm, hành xử với bệnh nhân bằng lý tưởng cao ngời của nghề y vẫn còn khắp cuộc đời này. Nhưng, những bác sĩ như những cỗ máy chữa bệnh, máu lạnh, thực dụng, kẻ cả, ban phát, thậm chí sách nhiễu, vòi vĩnh, nhũng lạm người nhà bệnh nhân vẫn xuất hiện đầy trong cộng đồng. Những vụ tấn công bác sĩ ngay trong bệnh viện, giường cấp cứu cũng là vì những lý do này.
Làm tiền trên sinh mệnh con người là thứ làm tiền khủng khiếp nhất, bởi nó được soi chiếu dưới bức xạ lương tri. Còn mắt giản dị của chúng sinh bình thường cũng đủ để nhận ra một bác sĩ nhân từ và không nhân từ, thực dụng và không thực dụng, hay những hành động phân biệt đối xử trong bệnh viện, cũng như phòng mạch chữa bệnh "chém" đẹp, "nuôi bệnh", nhận bao thư, quà cáp… Bức tranh đời thật đó đã không còn là chuyện hy hữu ở các bệnh viện, phòng mạch, nhà riêng.
Đang có một thứ "máu lạnh" nào đó chảy trong không gian bệnh viện, phòng mạch ngoài bệnh viện, và trong cơ thể của người thầy thuốc đó đây, chỗ này chỗ nọ. Máu lạnh ở đây không phải kiểu của chính trị gia, hay giới khai thác kinh doanh rừng nguyên sinh, xã hội đen mà ở biểu hiện tính thực dụng hay sòng phẳng tiền bạc và làm vong hẫng niềm yêu, chùng đi tình nhân ái, sự thiêng liêng, như hành động "chưa nộp đủ tiền thì chưa… mổ". Và là khi sẵn sàng kê toa vượt quá độ thuốc cần thiết, thuốc mắc tiền cho bệnh nhân; là "đại lý" âm thầm khi "liên kết" với các công ty cung cấp thuốc, các hãng dược để tiêu thụ thật chạy chủng loại, nhãn hiệu thuốc nọ, kia…
Đồng ý thế gian giờ thiếu gì trường hợp chúng sinh, bệnh nhân tráo trở, "xù" tiền bệnh viện, phòng mạch, bác sĩ sau ca chữa trị, bất nhã, hồ đồ, thậm chí côn đồ với người đang cứu mạng mình. Song, cái cán luôn nằm trong tay người chữa bệnh chứ không phải người bệnh. Luật pháp sẽ xử được bất cứ kẻ nào xúc phạm hay xâm hại bác sĩ nhưng những tinh vi, tiểu xảo của thầy thuốc thì chỉ thầy thuốc mới tường tận.
Nghề y ngày nay đã hiện đại hơn, gần gũi và thực tiễn hơn với cuộc sống khi nó trở thành dịch vụ, là hàng hóa, thậm chí chính bệnh nhân là người trả lương cho bác sĩ chứ không hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước. Nghề y cũng là nghề duy nhất mà người bệnh không bao giờ được trả giá. Cũng như thuốc chữa bệnh là thứ hàng hóa duy nhất không bao giờ được mặc cả, khi bước vào bất cứ một nhà thuốc nào. Tha nhân có sinh mệnh thì phải giữ, bằng mọi cách, kể cả "mẹo vặt" hay "cửa sau"; người chữa bệnh, bán thuốc có cái quyền vô hình khi trao sản phẩm cuối cùng của hành trình "cần phải lành bệnh" đó.
Chúng sinh không cần gì cả, trao đứt sinh phận, dâng lòng biết ơn, chỉ mong thầy thuốc cư xử đúng mực, chân chính với nghề y. Chúng sinh cũng không đòi hỏi nguyên vẹn tinh thần y đạo dâng hiến tuyệt cùng của Hippocrates, hay Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông, vì có thể nó quá sức giữa thời buổi vị kỷ, vật chất và nhiều đua tranh lẫn hưởng thụ. Dù sao trong xã hội còn nhiều khốn khó của ta, bằng mắt thôi, cũng thấy chất lượng sống của thầy thuốc cũng hơn cộng đồng chung một bực không nhỏ rồi. Hay dù sao, bác sĩ vẫn còn được chân trong chân ngoài, mở phòng mạch riêng trong khi đang làm trong các bệnh viện, là một ca nghề đặc biệt và được luật pháp bảo hộ.
Thôi thì hãy để người trong nghề bạn tự thẳng thắn giải phẫu với nhau đi, về thứ "bệnh" suy thoái Y đạo và chữa lành niềm tin ở chúng sinh.
Không có trí nhớ tốt không thể hành nghề y. Nhưng không phải người thầy thuốc nào, bác sĩ nào cũng nhớ Lời Thề mà mình từng thề.
Cho dù bác sĩ có hành xử thế nào, người ta cũng mãi mãi xem là ân nhân, gọi là thầy thuốc, "bác sĩ của tôi". Ở các tỉnh thành miền Nam, nhiều chục năm trước, người dân gọi bệnh viện là nhà thương đó thôi. Cách dùng từ chất chứa tất cả tình người và niềm tin yêu của mọi người vào một nơi, một nghề với những người mặc blouse trắng.
Bình luận (0)