Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1-6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu bức xúc nói về ngành y tế sau "cơn bão Việt Á": "Những "con sâu" đã bị gạt bỏ ra khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng vì đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh".
Ông Nguyễn Lân Hiếu là một trí thức ngành y có uy tín, một đại biểu Quốc hội được người dân tin yêu. Phát biểu của ông rất có trách nhiệm.
Tuy nhiên, thực tế các vấn đề ông Nguyễn Lân Hiếu nêu không đơn giản như vậy.
Vấn đề ông Hiếu nêu là có thật, đặc biệt sau "cơn bão Việt Á", khi mà nhiều đơn vị ngành y tế không dám tổ chức đấu thầu thuốc, thậm chí một đơn vị lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy lại thiếu thuốc đặc trị. Nhiều bệnh viện hiện nay vẫn thiếu thuốc "cục bộ"! Có bệnh viện tổ chức đấu thầu thuốc với sự tham gia của công an, viện kiểm sát, mà còn run!
Mới đây, Sở Y tế TP HCM đề xuất UBND TP xem xét cho ý kiến về việc lập Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế cho ngành y tế công trực thuộc UBND TP HCM, hoạt động độc lập để thực hiện một cách minh bạch, thống nhất về giá.
Còn nhớ, từ trước năm 2013, các bệnh viện trên địa bàn TP HCM được đấu thầu riêng lẻ, dẫn đến dù cùng một loại thuốc nhưng mỗi nơi trúng thầu một giá, gây khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế, thiếu minh bạch. Do vậy ngày 24-1-2013, UBND TP HCM ra quyết định thành lập Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế trực thuộc Sở Y tế.
Trong giai đoạn chờ trung tâm này đi vào hoạt động, lúc đó TP HCM không cho các bệnh viện nối thầu theo gói thầu cũ mà buộc áp thầu theo kết quả thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Chỉ một yếu tố đó, đã lòi kẽ hở giúp VN Pharma hưởng lợi rất lớn. Rồi đến khi trung tâm đi vào hoạt động, lại có nhiều bất cập, đến nỗi ngày 14-10-2017, UBND TP HCM buộc phải giải thể trung tâm này. Nay thì Sở Y tế lại đề xuất cho phép trung tâm này "sống lại", khi mà các công cụ đấu thầu thuốc vẫn chưa có thay đổi lớn để công tác đấu thầu minh bạch!
Thực tế việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế bấy lâu nay vẫn vận hành bình thường, dù vẫn còn nhiều kẽ hở. Nhưng vấn đề là con người. Nhiều quan chức, cán bộ trong ngành y vướng vòng lao lý trong vụ mua máy xét nghiệm PCR hồi đầu dịch Covid-19, là một minh chứng. Vụ Việt Á chi phối cả lãnh đạo Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế, cả Học viện Quân Y, dựng lên một đề tài khoa học ảo, chi phối cả ngành y tế của 62 tỉnh, thành trong đại dịch, đâu phải do cơ chế? Nhiều lãnh đạo các Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) trên cả nước bị khởi tố, có người nhận tiền công khai, có người chia cùng bộ sậu của mình, có người được CDC chuyển "hoa hồng" cho cả… bố vợ! Do vậy đổ thừa do cơ chế là không khách quan, bởi các lãnh đạo trong ngành y vướng vòng lao lý vẫn bị các cơ quan điều tra đủ chứng cứ pháp lý xử lý.
Chẳng lẽ nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang biển thủ 3,848 triệu USD, liên quan vụ Công ty Dược phẩm Cửu Long, là do cơ chế? Chẳng lẽ nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tiếp tay để VN Pharma nhập và lưu hành thuốc giả là do cơ chế? Chẳng lẽ vụ án nâng giá thiết bị y tế "xã hội hóa" để ăn trên đầu bệnh nhân, xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, khiến PGS-TS Nguyễn Quốc Anh vào tù là do cơ chế? Hay vụ GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, vào tù vì "thổi giá" thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông này làm giám đốc, là do cơ chế!?
Không, tất cả là do con người. Cơ chế cũng rất quan trọng nhưng cơ chế dù có chặt chẽ đến đâu, những con bạch tuộc trong ngành dược, thiết bị y tế đều tìm cách lách qua, bởi lợi nhuận quá lớn với những mặt hàng mà khách hàng không thể trả giá được!
Cái hậu của vụ án vẫn là vấn đề đạo đức công vụ, là y đức. Y đức không chỉ là thái độ hay trách nhiệm, nó còn là bản lĩnh trước cám dỗ, trước những thách thức của nghề nghiệp.
Sự xuống cấp của đạo đức công vụ và y đức trong ngành y là vấn đề nóng bỏng, dù đó là thiểu số nhưng phần nào đã làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành.
Bình luận (0)