Từ tài liệu mật trong loạt bài điều tra của Đài Al Jareeza (Qatar), dư luận trong nước xôn xao khi Đại biểu Quốc hội (ĐBQH, đoàn TP HCM) Phạm Phú Quốc công khai thừa nhận trước công luận rằng, ông có quốc tịch Cộng hòa Cyprus (đảo Síp).
Việc làm này của ông Quốc có vi phạm pháp luật?
Điều 4 Luật Quốc tịch 2008 ghi rõ: Công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp có quy định khác với điều kiện tiên quyết là phải được Chủ tịch nước cho phép. Đó là các trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch năm 2014 cho phép một công dân được mang 2 quốc tịch, nhưng không có trường hợp nào "cho phép" ĐBQH cùng lúc trở thành công dân quốc gia khác như trường hợp ông Phạm Phú Quốc.
Chưa đề cập đến tiêu chuẩn ĐBQH, việc một đảng viên, một cán bộ công chức (ông Quốc hiện là Tổng Giám đốc một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của TP HCM) mà "bỗng nhiên" trở thành "công dân nước khác", thì với tư cách một công dân, việc làm của ông Quốc là vi phạm!
Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy thông tin rằng chưa nhận được báo cáo về việc ông Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch và đang làm rõ thông tin này. Trả lời báo chí, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM cũng khẳng định chưa nhận được báo cáo của ông Quốc về việc có thêm quốc tịch Cộng hòa Cyprus và cơ quan này đang lên kế hoạch làm việc với ông Quốc.
Rõ ràng, ông Quốc đã thiếu trung thực trong việc kê khai, khai báo với tổ chức!
Việc điều tra, xác minh và xử lý trường hợp một ĐBQH có quốc tịch thứ 2 được cho là "mua tư cách công dân đảo Síp với giá 2,5 triệu USD" chắc chắn phải được làm rõ, cần tuân thủ quy trình, qui định chặt chẽ của pháp luật và công khai trước công luận. Nhưng đây không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất xảy ra việc một ĐBQH bị phát hiện có quốc tịch nước khác. Đáng quan tâm hơn là trường hợp tương tự có tiếp tục xảy ra hay không? Làm gì để ngăn ngừa tái diễn? Có hay không "phần chìm của tảng băng"?
Hiện chúng ta đang áp dụng những qui định, yêu cầu đảng viên, công chức, quan chức phải khai báo thường xuyên và cập nhật đầy đủ thông tin biến động về tài sản, thu nhập, không chỉ của bản thân, mà còn bao gồm cả người thân là vợ, chồng, con cái. Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, từ cấp ủy đến chính quyền có thẩm quyền quản lý thông tin này. Nhưng thực tế, vẫn còn nhiễu lỗ hổng.
Ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm soát, quản lý thông tin "kê khai"? Tại sao thông tin về những khoản đầu tư lớn, được cho là của người thân ông Phạm Phú Quốc và việc "mua quốc tịch" chỉ lộ ra khi báo chí nước ngoài đưa tin đích danh?
Các kết quả nghiên cứu cho thấy những trường hợp như ĐBQH Phạm Phú Quốc, khi bể chuyện, họ hay biện minh cho hành động của mình bằng các lý do "chính đáng": Tìm cơ hội học hành tốt hơn cho con em, tìm chất lượng sống tốt hơn, an sinh xã hội và y tế tốt hơn, tránh ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm cho tuổi già... Nhưng hơn hết, chắc chắn là sự an toàn cho chính bản thân và tài sản họ "tích góp" được.
Chính vì vậy, vụ việc ông Phạm Phú Quốc trở thành công dân Cộng hòa Síp không chỉ là chuyện cá nhân, không chỉ là việc xử lý thông tin nóng của dư luận, mà quan trọng hơn là nhận diện "phần chìm của tảng băng". Có hay không những khe hở trong quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng và qui định, chế tài của pháp luật?
Rất cần câu trả lời từ phía cơ quan có trách nhiệm hơn là sự thừa nhận hiển nhiên chẳng đặng đừng của ĐBQH Phạm Phú Quốc.
Bình luận (0)