Các doanh nghiệp đầu mối tăng giá mạnh với lý do "giá thế giới tăng", bất chấp thông cáo phát đi của liên bộ Tài chính - Công Thương có nội dung chỉ đạo: "giá xăng giữ nguyên, chỉ tăng giá dầu".
Chỉ đạo trên chỉ đúng với xăng sinh học E5 vừa được đưa vào kinh doanh song song với xăng A95, thay cho xăng A92. Còn xăng A95 thì doanh nghiệp được thỏa sức thổi giá như đã thấy. Vậy trong việc quyết giá xăng, ai có quyền cao hơn, các công ty xăng dầu hay các bộ điều hành? Hay là các bộ cứ làm lơ cho doanh nghiệp xăng dầu đục nước béo cò?
Hai lý do cơ bản mà ngành xăng dầu vin vào để tăng giá xăng A95 đó là trước nay mặt hàng nhiên liệu "cao cấp" này không được hỗ trợ giá từ Quỹ Bình ổn xăng dầu và A95 "chưa phổ biến" trên thị trường. Mọi sự giải thích đều không hợp lý vì Quỹ Bình ổn thực chất là được trích nộp từ tiền mua xăng dầu của người tiêu dùng. Lấy tiền người dân bù giá cho doanh nghiệp (khoảng hơn 800 đồng/lít) để gọi là "bình ổn giá" thì nghe không lọt tai chút nào! Đó là chưa kể việc trích nộp thì không sót một đồng nhưng giá bán lẻ xăng dầu có được "bình", có được "ổn" đâu! Giảm ít, tăng thì nhiều. Giảm nhỏ giọt, tăng ào ạt. Giảm một chút thì người tiêu dùng nhờ, tăng bao nhiêu họ cũng phải mua vì làm gì có sự lựa chọn khác.
Và đến nay cũng không thể bảo A95 là mặt hàng chưa phổ biến. Chẳng qua liên bộ Tài chính - Công Thương viện lý do này để không công bố giá cơ sở mà thôi. Giá trần không được công bố thì người dân và các tổ chức hữu quan khác lấy gì giám sát, phản biện. Thế nên, giá cơ sở xăng A95 bây giờ vẫn là "bí mật". Kinh doanh mà càng tù mù, càng thiếu minh bạch thì càng vớ bở, dễ lời to.
Xăng sinh học E5 cần được khuyến khích tiêu dùng là đúng nhưng hãy để nó vận hành theo quy luật thị trường. Việc tăng giá rất mạnh xăng A95 trong khi E5 còn đang bị nghi ngờ khiến người ta nghĩ ngay đến việc đưa khách hàng vào rọ: không mua A95 thì phải mua E5, đàng nào công ty xăng dầu cũng bán được hàng, thậm chí giá cao.
Thế thì bàn tay của nhà nước nằm ở đâu trong câu chuyện này?
Quản lý nhà nước phải đi trước một bước, đừng để “tuỳ tình hình”, đừng để “xem xét” mãi, như xăng A95 đến nay nhà nước vẫn chưa trực tiếp điều hành giá là một kẽ hở. Đã có nhiều trường hợp tương tự gây thất thoát lớn cho nhà nước, làm sút giảm niềm tin nghiêm trọng, ví dụ như Đề án 911 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư 14.000 tỉ đồng để đào tạo gần 23.000 tiến sĩ, nay thừa nhận thất bại, đã phải dừng song Kiểm toán Nhà nước chỉ kiến nghị thu hồi về ngân sách 50 tỉ đồng. Quá đắng lòng!
Hậu quả thì lớn nhưng trách nhiệm nhiều khi rất mơ hồ, “bay hơi” rất nhanh, giống như... xăng vậy!
Bình luận (0)